A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ba doanh nghiệp đoạt Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2013 : Niềm tự hào của kinh tế Dak Lak

09:29 | 03/09/2013

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc Công ty Cổ phần Mía đường 333, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi và Công ty Cổ phần Ong mật Dak Lak được lọt vào tốp doanh nghiệp đoạt Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2013

đã chứng tỏ sự công nhận của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về vị thế của các doanh nghiệp này; và đây cũng là niềm tự hào của cộng đồng doanh nghiệp Dak Lak. Thế nhưng để có được thành quả hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp.

Sáng tạo để tồn tại

Đối tác nước ngoài tham quan mô hình chế biến cà phê ướt tại Công ty Cà phê Thắng Lợi. Ảnh: Lê Ngọc

Trong đợt khảo sát thực tế của đoàn thẩm định Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Phạm Hải đã nhận xét về Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi (gọi tắt là Công ty Thắng Lợi) là “mảnh đất già với những ý tưởng trẻ”. Đó dường như là nhận xét xác đáng nhất với những gì đang diễn ra tại mảnh đất này. Nông trường Cà phê Thắng Lợi, tiền thân của Công ty Thắng Lợi hôm nay được thành lập ngày 1-3-1977 và được công bố ra mắt vào ngày 20-4-1977. Trên cơ sở tiếp thu 317 ha cà phê của một số đồn điền tư nhân để lại, ngày đầu xây dựng mới chỉ có 160 CBCNV, trải qua 36 năm xây dựng và trưởng thành cho đến hôm nay Công ty Thắng Lợi có trên dưới 1.000 CBCNVLĐ, quản lý sản xuất kinh doanh trên 2000 ha cà phê thuộc các loại hình sản xuất góp vốn Nhà nước nắm giữ 51%, hộ công nhân 49% giá trị vườn cà phê trên đất thực hiện theo mô hình khoán gọn trên 1.200 ha cà phê, hình thức liên kết phát triển sản xuất giữa Công ty với CBCNV công ty trên 600 ha, và trên 200 ha cà phê liên kết giữa công ty với Tập đoàn sản xuất cà phê Cuôr Đăng (thuộc xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) và Hợp tác xã 3 (thuộc xã Ea Knuêc, huyện Krông Pak với 520 hộ mà 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Là một doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chế biến và trực tiếp kinh doanh xuất khẩu cà phê chất lượng cao ra thị trường thế giới, Công ty luôn vận dụng sáng tạo, hợp lý các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành gắn liền với điều kiện thực tế của công ty. Trong những năm giá cả cà phê trên thị trường thế giới tụt giảm kéo theo giá cà phê của thị trường nội địa giảm xuống mức thấp nhất đã làm cho sản xuất kinh doanh của Công ty bị thua lỗ. Đến năm 2002 tập thể lãnh đạo Công ty đã quyết tâm đổi mới một cách toàn diện trong công tác lãnh đạo quản lý sản xuất kinh doanh, đặc biệt đã đổi mới công nghệ chế biến sau thu hoạch trên cơ sở đầu tư công nghệ chế biến ướt và chế biến khô để làm hàng chất lượng cao bán cho Mitsubshi Nhật Bản. Từ đó đến nay chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, uy tín giữa Công ty với bạn hàng Mitsubshi Nhật Bản ngày càng được thắt chặt, đảm bảo sản xuất kinh doanh của Công ty đạt hiệu quả cao.

Công ty Thắng Lợi cũng là một điểm sáng đi đầu trong xây dựng và phát triển mô hình sản xuất và kinh doanh cà phê bền vững ở Dak Lak khi đã khởi xướng việc đầu tư một quy trình sản xuất hoàn chỉnh từ chăm sóc tới chế biến thô và chế biến tinh. Nhờ chiến lược kinh doanh cà phê đúng đắn, cho đến nay, sản phẩm chất lượng cao của Công ty Thắng Lợi đã làm hài lòng các nhà rang xay, nhập khẩu uy tín hàng đầu ở Đức, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan... Họ luôn chấp nhận mua “cà phê đỏ”- chế biến ướt của Công ty cao hơn giá niêm yết tại thị trường London  khoảng 150-200USD/tấn. Song hành với sự phát triển của Công ty, những hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế cũng đã được tạo điều kiện tăng thu nhập, đến nay đã nâng mức bình quân thu nhập hộ gia đình từ 40 - 60 triệu đồng lên 100 - 120 triệu đồng/hộ/năm. Bên cạnh đó, Công ty Thắng Lợi cũng luôn bảo đảm thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn. Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, tập thể CBCNV Công ty đã được đón nhận hàng loạt những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như: Huân chương Lao động hạng Nhất - Nhì - Ba và Huân chương Chiến công hạng Nhì; Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Ba…

Những dũng sĩ trên mặt trận kinh tế

Xuất bán đường tại kho của Công ty Cổ phần Mía đường 333.

Công ty Cổ phần Mía đường 333 tiền thân là Sư đoàn 333 trực thuộc Quân khu V, được thành lập từ tháng 10-1976 đóng trên địa bàn huyện Ea Kar với nhiệm vụ chiến lược là xây dựng kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua hơn 37 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là sau 7 năm thực hiện cổ phần hóa (từ tháng 6-2006), Công ty đã có những bước phát triển vượt trội cả về quy mô và chất lượng. Đến nay Công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu có diện tích lên đến 6.350 ha với sản lượng 250.000 tấn mía cây và đạt sản lượng đường trên 24.000 tấn. Nhờ đó đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 600 cán bộ công nhân viên, lao động trong đơn vị và hơn 4.000 hộ dân trồng mía trên địa bàn 2 huyện Ea Kar và M’Drak. Đặc biệt, năm 2010, Công ty đã khánh thành và đưa vào hoạt động Dự án mở rộng nhà máy đường công suất 2.500 tấn mía/ngày. Dự án có tổng vốn đầu tư 296 tỷ đồng đã nâng công suất hoạt động của nhà máy từ 800 tấn mía/ngày lên đến 2.500 tấn mía/ngày. Dự án đã đưa nhà máy đường của Công ty từ tốp 3 nhà máy có công suất nhỏ nhất trong nước vươn lên vị trí thứ 14 nhà máy lớn trong tổng số 40 công ty, nhà máy đường của cả nước. Gắn với lịch sử hình thành, gần như toàn bộ cán bộ công nhân viên từ cấp quản lý cao nhất đều xuất thân là những người lính. Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Phan Xuân Thủy chia sẻ, là những người lính làm kinh tế nên mọi việc đối với cán bộ, công nhân viên công ty đều rất mới mẻ. Thế nhưng bằng quyết tâm học hỏi không ngừng cùng sự đoàn kết nhất trí cao như bản chất của những người lính trên chiến trường đã giúp công ty đã không ngừng phát triển về mọi mặt. Tổng lợi nhuận của Công ty sau 7 năm cổ phần hóa đã lên đến trên 110 tỷ đồng, mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước bình quân trên 6,4 tỷ đồng. Đặc biệt trong hai năm gần đây, dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty luôn nằm trong tốp nộp ngân sách Nhà nước cao nhất của tỉnh. Cùng với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, những năm qua Công ty luôn quan tâm và thực hiện tốt các hoạt động từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa… Điều đáng trân trọng là công ty luôn xác định phải bảo đảm thu nhập, đời sống của người nông dân, xem người nông dân trồng mía là thành tố quyết định đến sự tồn tại của đơn vị. Nhờ đó trong thời gian qua, 4 nghìn hộ dân trồng mía trên địa bàn hai huyện Ea Kar và M’Drak đã đổi đời nhờ cây mía.

Phát huy thế mạnh bản sắc

Công ty Cổ phần Ong mật Dak Lak đã góp phần đưa sản phẩm sản xuất từ ong mang đậm hương vị Tây Nguyên ra thị trường thế giới. Ảnh: Thuận Nguyễn

Điểm khác biệt của Giải Sao Vàng Đất Việt năm nay là UBND mỗi tỉnh, thành phố được quyền chọn và đề cử 1 doanh nghiệp tiêu biểu và doanh nghiệp này đương nhiên được lọt qua vòng sơ tuyển. Trong số 3 doanh nghiệp của tỉnh, Công ty Cổ phần Ong mật Dak Lak đã được UBND tỉnh lựa chọn và đề cử. Đây không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà nó cho thấy yếu tố bản sắc đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Công ty Cổ phần Ong mật Dak Lak được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần từ ngày 15-11-2000. Đóng chân trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, nơi có bạt ngàn hoa rừng, cà phê, cao su… Công ty có rất nhiều rất thuận lợi trong việc khai thác các sản phẩm ong mật như: Mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, nọc ong, sáp ong, keo ong. Với trữ lượng cây có nguồn mật lớn, tập trung, đa dạng, cho năng suất cao cộng với trình độ quản lý tiên tiến của công ty đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang hương vị đặc trưng của núi rừng cao nguyên. Đến nay, Công ty Cổ phần Ong mật Dak Lak là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành ong Việt Nam luôn đứng đầu về sản lượng kim ngạch xuất khẩu trong nước. Với hơn 11 nghìn tấn mật ong xuất khẩu mỗi năm đến các nước như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc với thương hiệu “DakHoney”, người nuôi ong ở Công ty Cổ phần Ong mật Dak Lak đã nâng cao giá trị của nghề và “ngọt hóa” cảm tình của khách quốc tế đối với vùng cao nguyên đất đỏ bazan của Tổ quốc. Năm 2011, Công ty mở rộng thị trường xuất khẩu mật ong sang vùng Trung Đông và Bắc Mỹ với sản lượng tăng hơn năm trước. Để nâng cao năng suất và chất lượng “đầu vào”, Công ty đã chuyển từ sản xuất tập trung sang mô hình giao khoán sản phẩm đến tận người lao động, chủ trại ong. Hiện nay, Công ty đã liên kết với 1.200 hộ nông dân trong và ngoài tỉnh phát triển trên 200.000 đàn ong. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 với nội dung “Chất lượng, an toàn, đổi mới, chuyên sâu và nâng cao hiệu quả” đã bảo đảm cho sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng.

Mặt khác, Công ty đã tinh giản bộ máy quản lý, sắp xếp công việc chuyên môn hợp lý trong tất cả các khâu sản xuất, chú ý các khâu sản xuất ong giống, phát triển đàn ong lấy mật để tăng sản lượng; tổ chức tốt khai thác mật, thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào; bảo quản sản phẩm trong khi vận chuyển, nhập kho và chế biến; kiểm tra đánh giá chất lượng trước khi đóng gói hàng đưa đi xuất khẩu. Công ty đã xây dựng nhà kho đạt tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, trang bị một số thiết bị máy móc phù hợp và tiên tiến để chế biến, kiểm nghiệm sản phẩm; đồng thời đào tạo chuyên môn cho những công nhân, nhân viên vận hành các thiết bị chế biến sản phẩm và làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Trong dây chuyền chế biến các loại sản phẩm của ong mật, Công ty đã đề ra chỉ tiêu “5 S“ (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng) và duy trì chế độ “3 không“ tại các phân xưởng chế biến tại Dak Lak và TP. Hồ Chí Minh (không nhận sản phẩm không phù hợp từ quá trình trước, không làm ra sản phẩm khuyết tật, không chuyển sản phẩm khuyết tật cho quá trình sau); đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra và tỷ lệ hao hụt trong các khâu chế biến. Đến nay, Công ty đã thiết lập hệ thống quản lý chất lượng HACCP; xây dựng thương hiệu mật ong Dak Lak “DakHoney” nhằm phát huy bản sắc của sản phẩm nhằm quảng bá và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Giang Nam

    Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ