A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Độc đáo đàn gông của đồng bào Êđê

16:39 | 05/04/2023

Như các dân tộc Tây Nguyên khác, đồng bào Êđê cũng sử dụng tre nứa, lồ ô làm ra những dụng cụ, nhạc cụ phục vụ cuộc sống tinh thần của mình.

Mỗi loại nhạc cụ có không gian diễn tấu riêng, có một tác dụng riêng, ý nghĩa riêng, thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong đó, đàn gông là loại nhạc cụ truyền thống được sử dụng trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội và nhất là trong những buổi giao duyên.

Đàn gông chỉ dành riêng cho nam giới sử dụng, thường dùng để diễn lại những bài của cồng chiêng bằng hình thức độc tấu, đôi khi còn sử dụng để đệm hát. Âm thanh của cây đàn gông phát ra đầy tính tự sự. Cây đàn thường theo các chàng trai đến chỗ tâm tình cùng người yêu, trong ánh trăng khuya. Cấu tạo của một cây đàn gông gồm thân đàn là một ống nứa già có độ dài khoảng 0,7 – 1 m, đường kính 15 cm, phần cật của ống nứa căng 6 dây, hai đầu ống đều có mấu kín. Phía chân đàn, phần dưới mấu tre có mắc một đầu dây vào, phần đầu dây còn lại quấn vào những trục lên dây bằng gỗ, cắm xuyên qua ống ở phía đầu đàn. Mỗi dây đàn phát ra một âm, được tăng độ vang bằng ống tre.

Anh Y Thiêm đánh đàn gông.

Kỹ thuật đánh đàn gông cũng như cách đánh đàn guitar vậy. Có hai cách sử dụng đàn gông, một là người biểu diễn ngồi xếp bằng trên sàn, hai chân tì giữ đàn, các ngón tay lần lượt búng vào các dây đàn tạo ra âm thanh nghe giòn giã vui tai; hai là người đánh chống ốc đàn vào bụng, đưa đầu đàn về phía trước thành một góc 45 độ, hai ngón út đỡ thân đàn, những ngón còn lại dùng để móc vào dây đàn tạo ra âm thanh.

Theo nghệ nhân Y Sim (ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), để làm được một cây đàn gông không đơn giản vì nhiều công đoạn và mất rất nhiều thời gian. Tre chặt về phải phơi nắng 3 tháng, rồi đem luộc, sau đó lại đem sấy trên giàn bếp. Qua 3 công đoạn ấy, những đoạn tre thẳng nhất, già và vàng nhất mới được đem làm đàn. Một cây đàn gông làm chỉ trong một ngày là xong, nhưng nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn 4 tháng trời. Sau khi phơi khô, đồng bào khéo léo móc lên từ một ống lồ ô sáu dây đàn, thường là dây cước hoặc dây thép nhỏ, rồi chuốt sao cho mỗi dây tương ứng với một thang âm. Trên đầu mỗi dây được đệm những mảnh tre nhỏ để làm ngựa đàn và để điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh.

Nghệ nhân Y Sim tâm sự: “Cây đàn gông tuy xù xì nhưng âm thanh mê hoặc lòng người. Nhờ cây đàn gông mà mình lấy được vợ đấy. Cô ấy “mê” tiếng đàn nên “mê” luôn mình và bắt mình về làm chồng. Vì vậy, cây đàn gông gắn bó với cuộc sống của thanh niên, trai tráng đồng bào mình. Tiếng đàn gông được xem như tiếng “gọi tình” độc đáo của các chàng trai Êđê đó”… Anh Y Thiêm cũng ở buôn Buôr cho biết: “Gông là nhạc cụ họ dây chi gẩy truyền thống của đồng bào mình. Không phải ai cũng chơi được đàn gông vì rất khó đánh, có người học mấy năm mới đánh được”.

Mạnh Phong

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202304/doc-dao-dan-gong-cua-dong-bao-ede-0252e27/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ