A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bảo tồn di sản phi vật thể: Không khéo "gieo vừng ra ngô"

12:17 | 02/07/2013

Bảo tồn di sản phi vật thể không đơn giản là để duy trì sự tồn tại của di sản mà còn là sự chống lại những biến đổi của di sản trong xã hội đang có xu hướng hiện đại hóa.

Sau ca trù, quan họ, hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiềng Tây Nguyên… những di sản văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam như: Đờn ca tài tử, diễn xướng ví giặm… sẽ tiếp tục được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sở hữu di sản được thế giới vinh danh là một niềm tự hào, song trách nhiệm bảo tồn di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể không đơn giản.

Còn những quan điểm sai

Khi di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, hầu như cộng đồng đều có suy nghĩ, là di sản thế giới thì phải được quy hoạch, đầu tư, nâng cấp, xây dựng cho hoành tráng hơn và xứng tầm thế giới hơn. Thế nhưng, một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản thế giới thì một trong những yếu tố quan trọng là di sản phải được người dân bảo tồn, lưu giữ theo truyền thống từ ngàn xưa để lại với những quy định chặt chẽ.

GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bày tỏ: “Tại sao khi di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh lại phải thay đổi, chẳng hạn về diện mạo, không gian, hình thức? Trong khi đó, những tiêu chí quan trọng của sự vinh danh lại là di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa, thể hiện bản sắc, sự tiếp nối những kỹ năng, tri thức được giữa các thế hệ, và những biện pháp bảo tồn hữu hiệu với sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng để đảm bảo sức sống của di sản. Việc vinh danh nhằm góp phần nâng cao sự tôn trọng của cộng đồng chủ nhân, mở rộng khả năng đối thoại ở cấp độ quốc gia và quốc tế, đóng góp cho sự đa dạng văn hóa”.


Di sản quan họ

Lấy ví dụ về Hội Gióng ở đền Phù Đổng (Hà Nội) có thể được coi là một “thực hành tốt nhất” sau khi được công nhận di sản thế giới vẫn không có gì thay đổi trong thực hành. GS Lưu Trần Tiêu cho rằng: “Đây là một lễ hội độc nhất vô nhị, điển hình về mặt tổ chức theo quy định truyền thống và có sự tham gia đông đảo của người dân, không bị thay đổi hình thức tổ chức, nói một cách khác không bị “sân khấu hóa”.

Vẫn là câu chuyện ý thức cộng đồng

Công luận đã từng nói nhiều đến những biến tướng của di sản sau khi được công nhận do sự thiếu hiểu biết, do quan điểm sai trong bảo tồn. Còn nhớ, người ta đã tập hợp gần 3000 người hát “đồng ca” quan họ, rồi hình ảnh quan họ “ngả nón xin tiền” phản cảm cũng từng bị báo chí lên tiếng. Hay mới đây là sự “chèo hóa” hát xoan…Những sự biến đổi này chắc chắn sẽ đe dọa sự tồn tại của yếu tố nguyên gốc của di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, chống lại nó như thế nào, không phải cộng đồng (người sở hữu di sản) có thể tự làm được. Điều quan trọng là sự quan tâm và kết hợp chặt chẽ của cộng đồng gồm 3 chủ thể: người thực hành di sản, người thụ hưởng di sản và người quản lý di sản. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể một cách bền vững thì việc quan trọng là gắn kết, tạo ra sự đồng thuận tương đối giữa 3 đối tượng trên. Nhưng đây là một bài toán không dễ có lời giải. Bởi vậy, bên cạnh việc tăng cường ý thức của người dân về việc giữ gìn di sản đôi khi việc công nhận giá trị của các di sản có tác động rất tích cực đối với người dân đối với di sản của chính họ. Khi di sản có danh hiệu, ý thức bảo vệ của người dân với di sản được nâng cao hơn.

Với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một ví dụ. Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VHTTDL Gia Lai, khẳng định: “Các dân tộc ở Tây Nguyên dường như có ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của cồng chiêng sau khi UNESCO công nhận di sản văn hóa này vào năm 2005. Nạn chảy máu cồng chiềng giảm bớt, người dân quan tâm hơn đến những sinh hoạt cồng chiêng của mình. Nếu không có sự công nhận này, chúng ta có thể tin rằng di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ mai một rất nhiều”.

Bảo tồn như thế nào để giữ gìn được giá trị của di sản mà nó không bị “đông cứng” lại, đáp ứng được nhu cầu của xã hội đương đại, kế thừa và phát triển ra sao để di sản không bị “gieo vừng ra ngô”, phục vụ mục tiêu “văn hóa vì phát triển” là câu chuyện không chỉ ngày một, ngày hai.

    Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ