A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nạn chảy máu xà-gạc ở Tây Nguyên: Linh vật trong tầm ngắm... cú vọ

06:19 | 26/06/2013

Cùng với nạn chảy máu cây rừng, muông thú, cồng chiêng.., nhiều buôn làng ở Tây Nguyên đang rên siết trước nạn con buôn xộc xạo, gí những đôi mắt cú vọ vào từng ngôi nhà giữa rừng nhằm tầm nã xà-gạc...

Được gìn giữ, truyền tay qua nhiều thế hệ, nhiều già làng trĩu lòng khi phải ngày ngày chứng kiến những linh vật trăm năm ấy bị giới con buôn bứng khỏi buôn làng, trở thành món đồ chơi thời thượng trong tư gia của những kẻ lắm tiền khoái săn và sở hữu vật lạ.

Thanh gươm của kiếm sĩ…

Có dịp đến xã Ia Kreng nằm trên đỉnh cao chót vót của đèo Sê San ở huyện miền núi Chư Pảh, chúng tôi được nhiều già làng ở vùng núi rừng hiểm trở bậc nhất tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung kể cho nghe truyền thuyết về sự ra đời của nhiều nông cụ, binh khí bằng sắt, trong đó có xà-gạc. Theo đó, thuở hồng hoang, người Tây Nguyên không biết gì về sắt. Mọi vật dụng sinh hoạt như búa, rìu và xà-gạc đều làm bằng tre… Cho đến một ngày, Chul và Chae - những người  thợ rèn đầu tiên, đã thay thế các vật dụng ấy bằng sắt, thứ được mang lên từ “âm phủ”.

Tại làng Tip, không dừng lại ở truyền thuyết ngàn năm ấy, già làng Rơ-chăm Suốt, 78 tuổi, cho chúng tôi được nhìn tận mắt - sờ tận tay chiếc xà-gạc bằng xương bằng thịt theo già từ hồi còn trai trẻ đến nay. Xà-gạc là một loại dao có dáng hình đặc biệt với cán dao được làm từ gốc cây le, một loại cây họ tre, có độ dài từ 80cm-1m, lưỡi dao dài 25cm, rộng 4cm, mũi dao có hai kiểu nhọn và bằng. Để tạo lực, người ta làm cho phần cán của lưỡi xà-gạc nhỏ dần, cuối lưỡi có một lỗ nhỏ để khi tra vào cán, sẽ dùng chốt khoen đồng hay sắt tra vào, giữ cho lưỡi dao không tuột ra. 

Chiếc xà-gạc của già Suốt gắn bó với ông cũng đã hơn 60 năm qua. Già Suốt kể đích thân già rèn nên chiếc xà-gạc này, thay thế cho chiếc xà-gạc mà già được cụ thân sinh tặng năm 15 tuổi bị rơi xuống suối trong một lần đi rừng bị heo rừng độc chiếc (có 1 răng nanh) truy đuổi vì vô tình “xâm phạm” lãnh địa của nó.

Thời bấy giờ, để tạo ra chiếc xà-gạc, già Suốt cho biết người thợ rèn phải rất nhọc công. Sau khi tìm được và moi từ "âm phủ" quặng sắt là những hạt nhỏ màu xám, người thợ sẽ nung thứ khoáng sản này bằng than. Dần dần các lớp xỉ rơi ra, hạt sắt dính kết lại và sau nhiều lần nung - đập, người thợ sẽ có được tấm sắt nhỏ đỏ rực. Tiếp đến là công đoạn dùng búa đá đập cong tấm sắt ấy tạo dáng cho xà-gạc. Sau đó người thợ sẽ mang "thành phẩm" ra con suối mài đá cho cái lưỡi thật bén rồi tra vào cán.

Không chỉ già Suốt, già làng Năm Nổi, người Chơro ở rừng Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cũng rất trân trọng chiếc xà gạc cả trăm năm tuổi được già lưu giữ đến nay đã 5 đời. Chỉ dãy xà-gạc treo trên xà ngôi nhà sàn cổ được làm từ lồ ô, mây, tre không đóng một cây đinh, theo già Năm, khi làm rẫy xà-gạc dùng để phát quang. Khi làm đồ gia dụng như đệm nằm, gùi, nơm bắt cá… thì xà-gạc là dao để chẻ, chuốt tre, nứa, lồ ô, song mây: "Xà-gạc còn giúp trai làng chống thú dữ, đánh kẻ thù đấy!" - già Năm lưu ý!

Các già làng cho biết, trong lễ khai tâm của một cậu bé người Jrai hay Chơro, không thể thiếu hình ảnh của chiếc xà-gạc. Khi cậu bé đến tuổi lao động, trở thành một thanh niên mạnh mẽ, người cha sẽ sắm một chiếc xà-gạc, đặt vật thiêng ấy lên vai con trai, xem đấy như là thanh gươm của kiếm sĩ. Từ đây, chiếc xà-gạc sẽ gắn đời với chàng trai cho đến khi anh ta về với cõi atâu (cõi ma): "Khi một người đàn ông chết sẽ được gia đình, người thân chia tài sản theo tục chia của. Những gì lúc còn sống anh ta sử dụng sẽ được người thân mang bỏ tại nhà mồ để anh ta có cái sử dụng ở thế giới bên kia. Trong nhiều vật dụng trả cho ma như chiêng, ché, quần áo, giường tủ…, không thể thiếu cái xà-gạc" - già Năm Nổi khẳng định.   

 

Già Năm Nổi với bài quyền múa xà-gạc chém hổ.

 

Cánh tay của chiến binh rừng già 

Đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sự thịnh vượng, hùng mạnh của các buôn làng, với người đàn ông Tây Nguyên, chiếc xà-gạc như một sự nối dài, là một phần cơ thể của chính họ. Tiến sĩ Lịch sử - Dân tộc học Nguyễn Thành Đức (Hội dân tộc học Tp HCM) trò chuyện: "Sống giữa đại ngàn rậm rì, lắm thú dữ và bao hiểm nguy rình rập từ phía các bộ tộc thù địch, mỗi người đàn ông ở mỗi buôn làng ngày trước là một chiến binh. Sẽ ra sao nếu trong tay chiến binh không có vũ khí ? Giúp phát cây rừng mở lối đi. Giúp chống lại thú dữ và kẻ thù. Sống ở rú (rừng), người đàn ông có thể không có quần áo nhưng không thể không có xà-gạc".

Quan trọng như gươm báu của kiếm sĩ, như dàn cung tên của cung thủ, như móng vuốt của chúa sơn lâm, như sức nặng ngàn cân của dòng chảy từ thác nước…, chiếc xà-gạc quý giá và quan trọng với người đàn ông ở các buôn làng Tây Nguyên và vùng rừng Đông Nam Bộ đến độ nếu một người mắc nợ hay phạm lỗi, anh ta sẽ bị chủ nợ hay người làng trừng phạt bằng việc "xiết" xà-gạc.

"Sống giữa rừng sâu, một người không có xà-gạc trong tay anh ta sẽ cảm giác mình yếu đuối, sẽ sợ hãi mọi thứ và không thể làm được việc gì. Không làm việc thì không có cái ăn. Để không bị con ma bệnh, con ma đói bắt, anh ta phải trả nợ, phải nộp phạt để chuộc lại cái xà-gạc của mình thôi" - già Suốt nói!

Đánh mất xà-gạc như đánh mất các khả năng và sức mạnh của chính mình nên người đàn ông Tây Nguyên xem trọng và giữ gìn xà-gạc như con hổ giữ bộ móng của nó.

Để sử dụng xà-gạc, đòi hỏi phải có thời gian luyện tập mới có thể phát, chém thành thạo. Cách đây 2 năm, khi chúng tôi đến thăm hỏi về bài quyền múa xà-gạc chém hổ, còn nhớ khi ấy già làng Năm Nổi nói về kinh nghiệm sử dụng xà-gạc khi đối mặt với mãnh thú như sau: Đánh nhau với đối phương và nhất là thú dữ, đặc biệt là cọp, nó hay nhảy bổ vồ người, nếu bổ xà-gạc từ trên xuống dễ bị trật vì cọp sẽ né tránh và nhân đó chộp lấy người. Cách vớt xà-gạc từ dưới lên đảm bảo quất thẳng vào hạ bộ cọp hay phần đầu của nó... Còn nếu bị rắn độc ngóc đầu phóng mổ thì với lợi thế cán dài, cứ việc phang ngang sẽ khiến rắn bị quất gãy xương sống từ xa.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đức cho biết cách sử dụng xà-gạc như sau: nếu dùng như một loại dao chặt, phải cầm xà-gạc bằng 2 tay, thuận tay nào thì giơ xà-gạc về bên ấy, dùng lực toàn thân thông qua 2 cánh tay bổ mạnh theo hướng chéo sang trái hoặc phải. Nếu đẽo gọt, chuốt mỏng vật liệu như tre nứa thì cầm xà gạc ở khoảng nối giữa lưỡi và cán xà-gạc, chuôi dao kẹp vào hông người, tay kia cầm vật dụng cần chế tạo. Và nếu sử dụng xà-gạc như vũ khí tự vệ hoặc tấn công, phải cầm xà-gạc bằng hai tay, hạ mũi xà-gạc xuống ngang gối, lưỡi ngửa lên, khi tấn công dùng sức vớt từ dưới chéo lên trên…

Trong vòng vây của con buôn

Trở lại với vấn nạn chảy máu xà-gạc ở các buôn làng. Theo mách nước của Hùng, một tay chơi quý tộc ở quận 2 đang rất tự hào vì trong tư gia có hàng chục xà-gạc các loại của nhiều bộ lạc ở Tây Nguyên, chúng tôi ra phố đồ cổ Lê Công Kiều (quận 1, TP HCM) để "tuyển vật thiêng về trưng cho gia đạo được vượng khí" (?). Cồng chiêng, binh khí cổ, các nhạc cụ đặc trưng, tượng nhà mồ, khiên, lao, ná, xương cốt của các loại mãnh thú…, thật không ngoa khi phải nói rằng tất tần tật vật dụng sinh hoạt, binh khí của người Tây Nguyên đều có mặt ở khu phố được dân trong giới tiết lộ là nơi "chuyên bán đồ giả cổ".

Sau khi khoe mẽ: "Khách nước ngoài rất khoái mấy món này", Kiến, chủ một cửa hàng đồ cổ "chuyên các món Tây Nguyên" ra chiều bí hiểm khi nói về xà-gạc: "Được truyền qua nhiều thế hệ, vừa là công cụ vừa là binh khí, không biết bao lần tắm máu mãnh thú và kẻ thù nên xà-gạc được xem là vật thiêng của người dân tộc. Dân nhà giàu mới phất hiện rất chuộng loại linh khí này. Treo nó trong nhà, họ tin gia đạo sẽ được tiếp thêm vượng khí, dư sức đề kháng với tà ma, quỷ mạo" ???!

 

Một góc phố cổ vật Lê Công Kiều với chiếc xà gạc vừa “săn” được của một con buôn.

 

Các ông bà chủ chuyên kinh doanh "hàng Tây Nguyên" bật mí, để tuyển xà-gạc từ rừng về phố, giới này đã lập hẳn đường dây, đầu tư nuôi những "bạn hàng" thân cận để nguồn hàng luôn dồi dào. Qua "mai mối" của ông Kiến, với vỏ bọc "em khoái đi mạo hiểm cho biết đó biết đây", chúng tôi được Hà “trề”, mối ruột chuyên săn lùng và cung cấp "hàng dân tộc" cho ông Kiến, đồng ý "tháp  tùng" một chuyến đi Tây Nguyên săn xà-gạc. Điểm đến là xã Đắk Nhau, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Khu vực chúng tôi đến là một bản làng nhỏ nằm sâu trong rừng. Đón chúng tôi ngay đầu bản là một người tầm thước đen nhẻm, tên K'riêm.

Nhà K'riêm nằm ở cuối làng, sâu trong một thung lũng thâm u. Hà “trề” giới thiệu K'riêm năm nay 47 tuổi,  là cộng sự đắc lực của anh ta, làm nhiệm vụ tiếp cận, dụ dỗ, thuyết phục những gia đình nào có cồng chiêng, cối chày giã gạo, thổ cẩm xưa, vũ khí săn bắn các loại… bán cho anh ta hoặc đổi chác bằng xoong nồi, có khi đầu máy, tivi. Khi nào "ăn no" thì K'riêm sẽ alô cho Hà “trề” đến trao tiền và gom đồ. Hôm nay sau khi trao tay Hà 6 cái xà-gạc, 2 cái ná, 1 bộ cung tên và nhận từ tay gã lái buôn chiếc phong bì dày cộm cùng một số đồ gia dụng rẻ tiền như xoong chảo, bình đun nước siêu tốc, K'riêm tiết lộ với Hà ở xã Bom Bo cách đây 10km có người đang giữ bộ xà-gạc 5 cái, người con muốn bán nhưng người cha già không chịu: "Nhưng ông già yếu rồi, nay mai ông chết thôi. Lúc đó mình mua chưa muộn" - K'riêm nói chắc như đinh đóng cột.

Tìm tới ngôi nhà có người con muốn bán cùng lúc 5 cái xà-gạc nhưng người cha không cho, chúng tôi mới biết cụ già ấy tên Điểu Cươl. Lúc trò chuyện, thật đau lòng khi nghe già Cươl thở than: "Rừng bây giờ cạn rồi, con thú không còn nữa, kẻ thù không còn nữa nên cung tên, khiên giáo, xà-gạc không còn ai sử dụng nữa, người ta bán sạch rồi". Nói đoạn già Cươl ngẩng mặt lên trời, khẽ lắc đầu: "Những cái ông cha để lại, có cái hồn của nó. Thằng K'riêm dụ người khác chứ không dụ được tao đâu. Tao chết thì chôn theo chứ không bán!".

Ở cách đấy không xa, già làng Điểu Bớt cũng có chung tâm tình ấy. Già kể những năm qua bọn con buôn như Hà “trề” tìm đủ mọi cách để chiếm lấy những di vật gắn với già từ hồi còn trai trẻ như bộ chiêng, cái tẩu thuốc bằng sừng con min, hoa tai bằng ngà voi… và cả những chiếc xà-gạc: "Không mua được thì chúng lân la đến nhà chơi rồi lấy trộm" - già Điểu Bớt giận dữ.

Già Cươl, già Bớt… không bán nhưng con cháu của hai ông muốn bán, và nhiều người trẻ trong làng cũng muốn bán đi những chiếc xà-gạc chém hổ, vạt rừng của cha ông ngày nào. Rõ ràng những nồi niêu xoong chảo, tivi, đầu máy rẻ tiền của những gã con buôn như Hà “trề” đã chiến thắng cái ý thức giữ hồn cha ông của ngày càng nhiều người trẻ. Kết quả là những linh vật truyền đời đậm dấu ấn Tây Nguyên của những buôn làng, trong đó có xà-gạc vẫn tràn về xuôi như con thác đổ giữa mùa thần nước khóc.

Tây Nguyên ơi, mai này… còn gì!?

    Theo CAND.COM.VN

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ