A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Đến Tây Nguyên bằng một suất đi… ké

04:18 | 24/06/2013

Tác giả của những khúc tình ca bất hủ về cao nguyên lộng gió, nhạc sĩ Nguyễn Cường bất ngờ chia sẻ về chuyến đi “ké” đến Tây Nguyên để bắt đầu một định mệnh làm nghề.

Cũng lần đầu tiên anh chia sẻ về những ngày tháng cơ cực đến với âm nhạc, nó không hề thênh thang như điệu cười anh vẫn cất lên sảng khoái mỗi lúc gặp bạn bè. 

Anh từng đến Tây Nguyên ngay sau ngày ra trường, khoảng năm 1965 nhưng mãi hơn chục năm sau, khi anh trở lại mảnh đất này cùng người bạn chí thân - nhạc sĩ Trần Tiến thì những ca khúc của anh về Tây Nguyên mới khiến người ta giật mình. Tôi còn được biết, chuyến đi đó anh không phải là người được mời chính thức?


Tôi nghĩ sự gắn bó của mình với Tây Nguyên là định mệnh, mọi thứ như được sắp xếp từ trước. 

Khi tốt nghiệp hệ trung cấp trường nhạc, khoảng năm 1965, giống như bao sinh viên mới ra trường tôi viết đơn tình nguyện vào Nam và được phân công về Đoàn văn công Tây Nguyên, chuẩn bị vào Sài Gòn phục vụ chiến đấu. Đoàn của chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, ra tới Hà Nội để chuẩn bị vào Sài Gòn thì bị hoãn vì khi ấy Đoàn văn công Quảng Bình vừa bị B52 rải thảm chết hết. Đoàn văn công Tây Nguyên bỗng trở thành hạt giống đỏ, phải giữ lại. Chính vì biến cố đó tôi ở lại Bắc nhưng vẫn trong biên chế đoàn. Ở lại Đoàn văn công Tây Nguyên được phân nhiệm vụ phát thanh, tôi thấy mình không phù hợp nên đã xin chuyển về trường ĐH Mỏ - địa chất. Từ một con người sách vở tôi đã hòa vào cuộc sống như thế.

Tôi ở trường Mỏ chừng hơn 10 năm thì có sự kiện Trần Tiến được mời vào Tây Nguyên. Lúc đó Trần Tiến đã là một cái tên rất nổi với những ca khúc: Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa… Một lần trả lời phỏng vấn, Tiến đã chia sẻ về mong muốn đến Tây Nguyên sáng tác. Biết được nguyện vọng của Tiến, một trưởng đoàn văn công Đắk Lắk đã bay ra Hà Nội mời Tiến vào Tây Nguyên. Lúc ấy Tiến cũng thích âm nhạc Tây Nguyên, nhưng đích của cậu ấy không phải là đến Tây Nguyên mà cậu ấy muốn vào Sài Gòn để định cư. Chuyến đi Tây Nguyên giúp Tiến thỏa nguyện ước đó. 

Khi anh trưởng đoàn văn công tới gặp Tiến, tôi có mặt ở đó. Trần Tiến bảo đồng ý đi theo lời mời nhưng phải cho thằng bạn này (là tôi) đi cùng. Khi ấy Tiến chưa bao giờ đến Tây Nguyên cũng có phần e sợ, phần khác muốn được cho bạn đi cùng và người ta đồng ý. Thời đó đi máy bay kinh lắm, cỡ Thứ trưởng trở nên mới được đi nên khi vào được tới Sài Gòn, Tiến thỏa nguyện ước vì có người mua vé cho cậu ấy đến đây rồi, cậu ấy không muốn đi Tây Nguyên nữa. Lúc đoàn văn công xuống Sài Gòn đón chúng tôi thì Trần Tiến cương quyết không đi nữa. Tôi bảo: “Ơ mày hay nhỉ, đoàn họ mời mày chứ mời tao đâu, tao chỉ là thằng đi ké”. Nhưng biết là mình chẳng bảo được nó (tức Trần Tiến) nên tôi nhờ thằng Thụ (nhạc sĩ Dương Thụ). Thằng Thụ gớm lắm, cả bọn chơi chung đứa nào cũng sợ, Tiến càng nể Thụ hơn. Thụ đến thuyết phục và bày cách cho Tiến đưa tôi lên Tây Nguyên rồi có thể trở về sau đó. May là Thụ thuyết phục được Tiến chứ mình tôi, một thằng vô danh từ ĐH Mỏ - Địa chất, đời nào đoàn văn công đón về. Về chuyện này tôi rất cảm ơn Thụ.

Vào Tây Nguyên, quả nhiên 2 ngày sau Tiến bỏ về, còn tôi ở lại đó 8 tháng. Nhưng ở đến tháng thứ 6 thì Đoàn văn công Đắk Lắk, một đoàn văn công tuyên truyền đã giành giải nhất toàn quốc hội diễn năm đó. Chương trình ấy do tôi dàn dựng toàn bộ. 

Đấy, mối duyên với Tây Nguyên đã đến với tôi như thế, dù là định mệnh nhưng nó đã không dễ dàng chút nào ở những ngày mới bắt đầu.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Vậy thời đó anh nhất quyết muốn đi theo ông bạn nổi tiếng Trần Tiến đến Tây Nguyên vì lý do gì hay đơn giản là muốn được đi máy bay?


Đoàn Đắk Lắk đồng ý cho tôi đi cùng Tiến nhưng rất oái oăm là họ chỉ mua vé máy bay cho Tiến đi từ Hà Nội vào Sài Gòn chứ không mua vé cho tôi. Nhưng tôi vẫn đồng ý đi. Việc quyết tâm theo bạn ngày đó có căn nguyên của những người xuất thân từ Hà Nội là bọn tôi.

Người Hà Nội có một đặc điểm là làm cái gì cũng muốn đạt tới tính bác học. Vậy nên thời chúng tôi đứa nào học nhạc cũng mang trong mình giấc mơ về những Chopin, Beethoven, Moza. Nghĩa là chúng tôi mơ sẽ viết được những bản giao hưởng, viết được khí nhạc cơ chứ không phải mấy bài hát đâu. Chính vì thế, từ khi ra trường tôi luôn mang tinh thần kể cả viết bài hát cũng là tinh thần viết khí nhạc, nghĩa là phải xây dựng được hình tượng âm nhạc trong tác phẩm của mình. Muốn vậy thì làm mọi thứ phải xuất phát từ âm nhạc chứ không phải từ lời nên việc tìm ra chất liệu âm nhạc để bắt đầu rất quan trọng. Trên đời này, cả những thiên tài cũng không thể tự đẻ ra cái thứ chất liệu ấy (Tchaikovski lấy chất liệu của Nga, Beethoven lấy chất liệu của Đức…). Chuyến đi Tây Nguyên của tôi xuất phát vì mong muốn tìm thấy chất liệu âm nhạc cho mình. 

Giấc mơ đó đến bây giờ Dương Thụ gọi nó một cách hình ảnh là “giấc mơ gãy cánh”, còn tôi chỉ dùng một câu đơn giản hơn: “Thế hệ chúng tôi thành nhưng không đạt”. 

Từ thuở ban đầu nhiều khó khăn ấy, anh đã viết hàng trăm ca khúc về Tây Nguyên. Người ta vẫn bảo rằng, tình yêu là mạch ngầm trong các sáng tác của người nghệ sĩ. Vậy anh có mối tình riêng nào trong mối nhân duyên chung với mảnh đất đại ngàn này không?


Có một nhà báo đã hỏi tôi: “Để viết ra một bài hát như “Đôi mắt Pleiku” thì hẳn là anh phải có đôi mắt nào đó bảo lãnh”. Tôi đã trả lời rằng: “Sao các bạn coi thường tôi thế, phải có 99 đôi mắt mới có thể bảo lãnh một bài hát chứ sao bài hát của tôi lại rẻ thế thôi à ”. Tôi nói vui vậy nhưng thực ra tôi yêu Tây Nguyên vì tất cả mọi thứ vùng đất này sở hữu, không chỉ con người, không chỉ là một cô gái hay vì một mối tình nào cụ thể.
 

Một giờ lên lớp của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Ngay cả H’zen, anh cũng chưa từng yêu, dù chỉ là thoáng chốc?


Ngày mới đến, tôi xuống chợ ở một nơi cách Buôn Mê Thuột chỉ hai cây số, ngạc nhiên vì ở đây không ai nói tiếng Kinh, họ chỉ dùng tiếng Ê-đê. Vào đến buôn Bơ-năm thì tôi ngỡ ngàng với hình ảnh những cô gái da nâu, mắt sáng, hông rộng khỏe khoắn. Nhìn họ đầy khát khao. Tôi cảm thấy một không khí khác hẳn những nơi mình đã đi qua, và có lẽ vì xúc cảm ấy tôi mới có thể viết được các ca khúc như “H’zen lên rẫy”. Sự xuất hiện của một cô H’zen cụ thể chỉ là chất xúc tác cuối cùng.

Tôi gặp H’zen thoáng chốc trên đường cô ấy đi lên rẫy. Bài hát của tôi bây giờ được cả dân tộc Ê-đê hát, cả Tây Nguyên hát nhưng ngày đó họ cũng mê muội lắm, họ còn quay ra trách cứ tôi, rằng tại sao lại đi ca ngợi một cô gái từng bị mang tiếng là lẳng lơ ở buôn Bơ-năm ấy.

    Theo Phapluatxahoi.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ