A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chiều mưa bên cổ tháp

08:19 | 10/10/2023

Khi biết tôi có ý định vào thăm lại ngôi tháp Yang Prông, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk Nguyễn Văn Nguyên bèn chia sẻ: Ngôi cổ tháp đang trở thành phế tích, thời gian cùng với những biến đổi địa hình,...

... địa mạo và cảnh quan môi trường chung quanh theo chiều hướng tiêu cực như hiện nay sẽ là thách thức đè nặng lên di tích này. Anh muốn vào thăm cổ tháp thì tranh thủ đi, chứ trời mưa càng lúc càng lớn sợ không vào được vì đường sá vào đó đã nát quá rồi.

Anh Nguyên cho biết mấy tháng trước, khi về xã Ea Rốk đảm nhận nhiệm vụ mới, anh thấy xót xa trước cảnh hoang tàn của ngôi cổ tháp (khuôn viên, sân bãi quanh bị bong tróc, hư hại) nên kêu gọi lòng hảo tâm từ bạn bè và một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đóng góp hơn 100 triệu đồng để láng lại khoảnh sân rộng khoảng 300 m2 trước lối vào di tích. Tình cảm và nguồn lực của địa phương chỉ có thế - còn những phần việc lớn hơn như làm đường, tôn tạo cảnh quan và nhất là xây bờ kè phía sau lưng ngôi cổ tháp để ngăn chặn tình trạng xói lở ngày càng lan rộng do con suối Ea H’leo gây ra vào mùa mưa lũ thì phải trông cậy vào mối quan tâm của tỉnh và Trung ương, chứ huyện nghèo như Ea Súp thì “lực bất tòng tâm” - vị chủ tịch UBND xã còn rất trẻ này trăn trở.

Yang Prông hiện ra trầm mặc, tôi lần qua lối đi đầy rêu phong và lá rừng phủ kín để vào ngôi cổ tháp. Trong cơn mưa chiều biên giới, cây cỏ hoang dại mọc trên đỉnh tháp bất ngờ rùng mình khiến những giọt nước nối nhau chảy dài theo thân tháp. Nước len qua từng vỉa gạch mốc meo, thấm dần vào những bức phù điêu bay bổng và kỳ bí. Ở đó, tôi thấy ngôi cổ tháp như đang giấu nỗi niềm trắc ẩn về một thời “hoàng kim” lẫn “dâu bể” của mình. Bất giác, tôi đồng cảm với khoảnh khắc ấy và những ký ức về lịch sử thăng trầm của ngôi cổ tháp từng tồn tại hơn 800 năm qua lại hiện về.

Khoảnh sân trước ngôi tháp vừa được láng xi măng lại nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Ảnh: M.Thông

Tôi nhớ trong cuốn "Rừng người mọi" (Les Jungles Moi) xuất bản tại Paris năm 1912 của H. Maitre, một tùy viên trong Phái bộ quân sự Pháp, đồng thời là một trong những nhà nghiên cứu khá toàn diện đầu tiên về Tây Nguyên thì đây là ngôi tháp của người Chăm từ đồng bằng Duyên hải - miền Trung Việt Nam lên xây dựng vào cuối thế kỷ 13 để khẳng định và phát triển tín ngưỡng phồn thực (Linga và Yoni) của dân tộc mình trên vùng đất hoang sơ này. Trong lòng ngôi tháp thờ vị thần Mankhalinga, một biểu hiện tiêu biểu và đầy đủ về ý nghĩa của tín ngưỡng trên. Thời gian xây dựng tháp Yang Prông cũng được một số học giả trong nước như Nghiêm Thẩm, Nguyễn Đổng Chi đưa ra vào những thập niên đầu thế kỷ 20 rằng, ngôi tháp được Quốc vương Chămpa Chế Mân xây dựng vào khoảng những năm 1252 - 1259, trước khi Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông gả Huyền Trân công chúa cho Vua Chế Mân vào năm 1306 để có được hai châu Ô - Lý (thuộc địa phận 3 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị ngày nay). 

Vào năm 1901, ngôi tháp cổ này mới được Viện Viễn đông Bác cổ thông tin đầy đủ, vài năm sau (từ năm 1904 - 1906), hai nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp Odend Hal và H. Maitre đã đến đó để quan sát, khảo tả về ngôi tháp một cách khá tường tận. Tôi tìm đọc những tài liệu khảo tả của họ cùng nhiều nguồn sử liệu khác và nhận ra một điều hết sức thú vị: Những công trình tôn giáo (đền tháp) của người Chăm, trong đó không ngoại trừ tháp Yang Prông được xây dựng bằng gạch (nặn từ đất sét), không có mạch vữa kết dính như lối kiến trúc thường thấy - vậy mà đến nay, cả gần nghìn năm đi qua nó vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và vẫn giữ được vẻ đẹp toàn mỹ đến lạ kỳ. “Bí truyền” này khiến không ít học giả, nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế, xưa và nay nhọc công tìm cách giải mã với hậu thế. Nhiều lý thuyết, đánh giá được đưa ra, trong đó có một điểm chung mà giới khảo cổ, kiến trúc sư, nhà khoa học đã “gặp nhau” khi bắt tay nghiên cứu, tìm hiểu qua thực địa những khu đền tháp của người Chămpa cổ - là các công trình đền tháp của người Chăm, sau khi gạch được xếp thành hình khối hoàn hảo, phải chăng người ta đã dùng vật liệu dễ cháy để nung chín toàn bộ công trình kiến trúc, nhờ thế mà chúng đã trường tồn với thời gian, dù phải trải qua vô vàn biến đổi khắc nghiệt của môi trường tự nhiên và xã hội.  

Giả thuyết trên đưa ra từ thời của Odend Hal và H. Maitre sau nhiều chuyến điền dã, nhất là khu vực duyên hải miền Trung -  Tây Nguyên vào đầu những thập niên của thế kỷ 20. Đến những năm 1982 - 2008, kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (tên gọi thân mật Kazik) tiếp tục tìm kiếm những luận cứ khoa học cũng như thực tiễn nhằm củng cố và chứng minh thêm về điều đó sau gần 30 năm “ăn nằm” cùng khu đền tháp Mỹ Sơn - Quảng Nam - công trình được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa nhân loại vào năm 1995.

Cổ tháp Yang Prông. Ảnh: M.Thông

Họa sĩ, nhà điêu khắc Đàng Năng Thọ (nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận) có lần tâm tình: Sinh thời, ông Kazik thường gợi mở với đồng nghiệp và cộng sự rằng, chỉ một khi nung chín toàn bộ kết cấu công trình kiến trúc đền tháp kia, thì vật liệu xây dựng (là gạch đất sét) mới trở nên đồng dạng, đồng tính năng sử dụng và chống chịu được mọi sự tác động từ bên trong lẫn bên ngoài. Khi đó công trình kiến trúc ấy sẽ kết thành một khối vững chắc, bất khả xâm hại. Những ngôi tháp còn hiện hữu sinh động tại khu Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam hay Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… nên được gọi là “cây tháp” hơn là ngôi tháp, bởi nó ẩn chứa sự sống như một sinh thể đúng nghĩa về cả lượng tính thời gian cũng như giá trị thẩm mỹ. Người con của làng gốm Chăm Bàu Trúc nổi tiếng ấy còn cảm nhận và chia sẻ thêm: Mỗi công trình kiến trúc Chăm đều có linh hồn, sắc thái và tâm thế vượt thoát mọi hệ lụy của trần tục. Chẳng thế mà một khi đứng trước những đền tháp huy hoàng và tráng lệ ấy, ai cũng phải kinh ngạc cho đó là quá trình “liên minh với thần thánh” mới có thể sáng tạo nên, chứ không riêng gì con người mới làm được tuyệt tác như thế.

Tôi đến thăm ngôi cổ tháp lần này và nhận thấy vẫn không có gì khác so với trước, trong lòng ngôi cổ tháp đặt nhiều bát nhang to, nhỏ đủ kiểu và bức tượng cao khoảng hai gang tay, phủ mảnh vải trắng đã ố màu, không rõ mặt vị thần thánh nào(?) Người dân trong vùng cho hay, hình như đó là tượng Phật bà Quán thế âm Bồ Tát được ai đó thỉnh về từ lâu để mọi người cúng bái, cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe… Thảo nào, xung quanh khu di tích này - dưới gốc cây cổ thụ, bên chân tháp, lối vào đều vương vãi dấu tro tàn của vàng mã, hương đèn cháy dở. Và nơi đây không biết từ bao giờ đã biến thành địa điểm phục vụ cho những hoạt động mê tín của cư dân trên địa bàn và những vùng lân cận. Nhìn ngôi cổ tháp bơ vơ, hoang vắng khiến tôi không khỏi chạnh lòng và chợt ao ước: Có ai đó nói cho tôi (cũng như mọi người) biết được giá trị của di tích kia nằm ở đâu, có tầm vóc như thế nào?

Được biết, khi ngôi cổ tháp được phát hiện và công bố vào năm 1901 thì bộ “sinh thực khí” cùng với tượng thần Mankhalinga vẫn còn - và nó chỉ biến mất vào khoảng thời gian trước và sau năm 1940 của thế kỷ trước. Đến nay không ai rõ báu vật này nằm ở đâu, do quốc gia nào sở hữu? Ngay cả trong bộ hồ sơ về ngôi tháp này mà ngành văn hóa lưu giữ cũng không có hình ảnh, tư liệu cần thiết. Năm 1991, thời điểm mà Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng tháp Yang Prông là Di tích cấp quốc gia thì ngôi tháp chỉ còn “phần vỏ” mà thôi. Giá trị mà di tích này được tôn vinh chủ yếu đến từ nghệ thuật kiến trúc đặc sắc (đồng dạng với hầu hết các ngôi đền tháp Chăm vùng duyên hải Nam trung bộ); góp phần làm hé lộ nhiều bí ẩn về lịch sử tồn cư và phát triển của các tộc người bản xứ ở Tây Nguyên nói chung; minh chứng cho quá trình phát triển giao thương, truyền bá, tiếp nhận cũng như dung hòa các nền văn hóa được du nhập vào đây trong suốt chiều dài lịch sử.

Chỉ tiếc, vấn đề tìm cách phục dựng, tôn tạo yếu tố gốc và tính toàn vẹn cho di tích tháp Chăm Yang Prông đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhìn ngôi cổ tháp ít nhiều bị “tổn thương”, tôi thầm nghĩ những khuyết thiếu ấy rất cần chính quyền địa phương, trực tiếp là ngành văn hóa Đắk Lắk nhanh chóng bù đắp kịp thời để di tích này sống lại trong ý nghĩa toàn vẹn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc vốn có của mình. Sớm làm được điều đó, chắc chắn cổ tháp Yang Prông sẽ là điểm đến hấp dẫn mọi người với giá trị tín ngưỡng, tôn giáo đính kèm giá trị kiến trúc đặc sắc và độc đáo của người Chăm cổ xưa. 

   Đình Đối

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202310/chieu-mua-ben-co-thap-cd121e2/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ