A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Ngôn ngữ" kiến trúc Buôn Ma Thuột

09:34 | 16/10/2023

Nói đến kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột, người ta nghĩ ngay đến ngôi nhà dài của người Êđê bản xứ cùng không gian xanh được tôn tạo, gìn giữ từ những buôn làng truyền thống ra đến phố thị sầm uất và hiện đại ngày nay.

 Hai hình ảnh đặc trưng và đại diện ấy cũng là "ngôn ngữ" kiến trúc chủ đạo của đô thị miền núi này.

Khả năng gợi mở

Đặc trưng kiến trúc của ngôi nhà dài Êđê cho đến nay là yếu tố nhận diện tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và nhân văn của đô thị Buôn Ma Thuột. Nó đã được chọn, cách điệu để thiết kế nên logo của tỉnh Đắk Lắk hiện tại. Từ nếp nhà dài Êđê khiến người ta gợi nhớ về bản sắc của một vùng đất và con người trên cao nguyên trù phú này. Đặc trưng tiêu biểu ấy, từ trước đến nay luôn được giới kiến trúc khai thác, cách điệu và sáng tạo thêm; trở thành vốn văn hóa, lịch sử mang đậm dấu ấn truyền thống mà hiện đại, hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc cho thành phố.

Bảo tàng Đắk Lắk - công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Hữu Hùng

Một số công trình được xây dựng theo ý tưởng trên, phải kể đến là Biệt điện Bảo Đại, Tòa Giám mục Buôn Mê Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk và nhiều cơ quan, công sở khác trên địa bàn. Vốn kiến trúc được lấy cảm hứng từ ngôi nhà dài Êđê là lựa chọn phù hợp và đúng đắn để Buôn Ma Thuột kiến tạo nên bản sắc độc đáo, khác biệt của mình trong hệ thống đô thị hiện đại Việt Nam. Theo kiến trúc sư (KTS) Diêu Quang Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Kiến trúc Đắk Lắk, với vị trí là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột sẽ có bước phát triển rất nhanh trong thời gian tới, trong đó có kiến trúc đô thị. Hiện tại, cấu trúc đan xen giữa các khu phố mới, những công trình công cộng với nhiều buôn làng trong lòng thành phố đã tạo nên dáng dấp rất riêng và đa dạng ở đô thị cao nguyên này. Trong đó mô típ kiến trúc nhà dài Êđê hiện lên khá bao trùm (thể hiện rõ trong những ngôi nhà phố, biệt thự hiện đại) là điểm nhấn đặc sắc, gây ấn tượng cho mọi người và cho bất kỳ ai khi đến đây.        

Giới KTS cho rằng, về chủ trương chọn kiến trúc nhà dài Êđê như một trọng tâm cho việc xây dựng bản sắc kiến trúc Buôn Ma Thuột là hoàn toàn phù hợp, có ý nghĩa và khả năng gợi mở cao trong nhận thức, thẩm định giá trị thẩm mỹ của cư dân ở đô thị này. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng văn hóa kiến trúc được hình thành trước hết là để đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người, khi nhu cầu sử dụng thay đổi thì kiến trúc cũng thay đổi theo. Vì vậy, TS.KTS Lê Thanh Sơn (giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh) lưu ý: Kiến trúc nhà dài thực chất là sản phẩm của đời sống và văn minh nông nghiệp, vậy nên cần phải tinh tế khi duy trì tính nguyên mẫu của nó vào lối sống mới trong đô thị hiện đại. Việc áp đặt kiến trúc nhà dài lên kiến trúc hiện đại, cao tầng bằng bê tông cốt thép để gây dựng hình ảnh/biểu trưng lịch sử, văn hóa cho đô thị Buôn Ma Thuột sẽ gây không ít bất cập về công năng  sử dụng, gây trở ngại cho giải pháp kỹ thuật, ít hiệu quả kinh tế và dễ sa vào “chủ nghĩa hình thức”. Kiến trúc ngày nay phải phản ánh được tinh thần của thời đại sản sinh ra nó, những nhân tố kiến trúc và nghệ thuật truyền thống ở đây nên được kế thừa, duy trì với một "hàm lượng" nhất định, ở những phạm vi và quy mô thích hợp. Không thể sử dụng nhầm quy mô, liều lượng của kiến trúc truyền thống nói chung, kiến trúc nhà dài Êđê nói riêng nhằm tránh sự gượng ép, phản cảm.

Biệt điện Bảo Đại - công trình được thiết kế mang dáng dấp những mái nhà dài truyền thống của người Êđê. Ảnh: Hữu Hùng

 

“Trong quy hoạch các khu phố mới nên hạn chế việc di dời nhà cửa của đồng bào dân tộc bản địa đi nơi khác. Làng buôn một khi đô thị hóa, đồng bào ở đó sẽ là những công dân đô thị, về lâu dài khoảng cách sinh hoạt của mọi thành phần cư dân đô thị sẽ hòa nhập với nhau - và lúc ấy yếu tố cũ và mới, truyền thống và hiện đại sẽ trở nên hài hòa. Đó cũng là trọng tâm, bản chất cần tuân thủ và hướng tới trong kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột” – TS.KTS Lê Thanh Sơn, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Để kiến trúc nhà dài Êđê có khả năng đại diện, gợi nhớ về bản sắc, yếu tố không thể trộn lẫn của Buôn Ma Thuột với bất kỳ địa phương nào trên cả nước thì công tác bảo tồn “quỹ” di sản kiến trúc đô thị hiện có (liên quan đến văn hóa nhà dài) cần được xúc tiến thực hiện. Để làm được điều này, cần phải hình thành một quan niệm quản lý mới cho quy trình cấp phép và quản lý quá trình xây dựng. Ngoài ra, cần khai thác hiệu quả yếu tố về địa hình, cây xanh, mặt nước, sông suối… được xem là thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho Buôn Ma Thuột để tạo nên bản sắc cho đô thị này.     

Quy hoạch đô thị là cả một quá trình

Theo KTS Diêu Quang Hùng, để Buôn Ma Thuột phát triển đúng hướng nên thực hiện đồng bộ ba nội dung: cơ chế chính sách, quản lý phát triển và huy động sự tham gia của cộng đồng. Về cơ chế chính sách, cần có những chính sách cụ thể, đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, chính quyền sở tại phải đóng vai trò là người điều phối, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ cho thành phần tư nhân tham gia quy hoạch, phát triển đô thị.

 Vấn đề quan trọng hơn, cần xác định công tác quy hoạch đô thị là một quá trình, được triển khai liên tục và thường xuyên thay vì quan niệm đó là một sản phẩm như trước đây (!) Về quản lý phát triển, quy hoạch đô thị cần được nghiên cứu cẩn thận, thiết lập nhanh chóng và hoàn chỉnh, dứt điểm từng dự án, không dàn trải. Với yêu cầu thành phố có nét đặc trưng riêng, mang đậm bản sắc địa phương thì trước tiên phải hạn chế mật độ và chiều cao xây dựng, công trình cao tầng chỉ nên tập trung ở một số điểm nhất định, không dàn trải để tạo điểm nhấn. Các buôn làng trong lòng thành phố cần được bảo tồn, tôn tạo, hạn chế pha tạp, ít nhất là trên mặt phố. Có thể áp dụng nguyên tắc xây dựng mới theo hình thức cũ và bổ sung các chức năng mới theo hướng hiện đại và văn minh hơn. Riêng các hồ nước và dòng suối như Ea Tam, Ea Nao, Ea Nuôl cần được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh lấn chiếm san lấp. Khi xây dựng công trình ở các khu vực này nên xây thấp dần về phía bờ hồ, suối để bảo đảm tầm nhìn, mỹ quan đô thị.

Du khách khám phá nét độc đáo của buôn trong phố - buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hữu Hùng

Từ quy hoạch, định hướng phát triển đến nghệ thuật kiến trúc cho tất cả các công trình xây dựng ở đô thị này, chính quyền địa phương phải mặc định rằng, yếu tố hài hòa trong sự kết hợp giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại là yêu cầu “số 1”, không thể bỏ qua trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào. Vì thế, cần phải có một đánh giá riêng về hiện trạng các buôn làng hiện hữu, trong đó phải phân loại và đề xuất được các buôn làng, các công trình công cộng và nhà ở để bảo tồn cùng với việc cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng cũng như phát triển, hoàn thiện các công trình kiến trúc trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, việc tổ chức không gian cho những khu đô thị mới cần xem việc tồn tại của các buôn làng ở đó trong cơ cấu đô thị nói chung là yếu tố quan trọng, bảo đảm sự gắn kết đồng bộ trong việc mở rộng không gian - từ buôn làng ra đến phố xá sầm uất và hiện đại. Chính sự kết nối hài hòa đó, cùng với những khoảng không gian xanh (là buôn làng truyền thống, mặt hồ, sông suối) này sẽ tạo nên gương mặt đáng yêu, thân thiện cho kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột.

     Đình Đối

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202310/ngon-ngu-kien-truc-buon-ma-thuot-d061667/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ