Kỳ I: Trình tự, thủ tục mua sắm trang thiết bị nhiều sai sót; đầu tư không đồng bộ gây lãng phí
Qua kiểm tra 33/48 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sai sót trong quá trình đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT); như thiết bị, máy móc không rõ hoặc không đúng nhãn mác, xuất xứ như hợp đồng ký kết, đầu tư máy móc, thiết bị không đồng bộ gây lãng phí...
Mập mờ xuất xứ, nhãn mác...
Sở Y tế Đắk Lắk hiện có 48 đơn vị trực thuộc gồm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình; Trường Trung cấp y tế; Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh; Trung tâm Da liễu; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm Giám định y khoa; Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm Phòng chống sốt rét; Trung tâm Huyết học truyền máu; Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm; Trung tâm Pháp y; Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe; 6 bệnh viện tuyến tỉnh; 14 bệnh viện huyện, thị xã, thành phố và 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.
Qua kiểm tra thực tế về trình tự mua sắm, nguồn gốc, nhãn mác trang thiết bị trên cơ sở hợp đồng ký kết tại 33 đơn vị y tế, Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều loại TTBYT không rõ nhãn mác, quy cách, hãng sản xuất và nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, năm 2014 Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 được trang bị xe đẩy dụng cụ, model ALK07-H03, hãng sản xuất Aolike-Trung Quốc; Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông năm 2014 được trang bị bàn dùng để nội soi dạ dày, model ALK06-H800 do hãng Aolike-Trung Quốc sản xuất trị giá 39 triệu đồng; Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar được trang bị máy đo lực bóp tay trị giá 15 triệu đồng do hãng Takei (Nhật Bản) sản xuất. Nhưng qua thực tế kiểm tra tất cả đều không có nhãn mác. Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo, theo hợp đồng mua sắm năm 2012, hệ thống khí y tế trị giá 234 triệu đồng có phần Tableau hạ áp, van chống cháy ngược mang nhãn hiệu SMYTH - Mỹ, song khi kiểm tra thực tế thì thiết bị này hoàn toàn không có nhãn mác. Ngoài ra, giường cấp cứu đa chức năng mà bệnh viện này được trang bị trong hợp đồng không ghi rõ quy cách, chủng loại và qua kiểm tra thực tế cũng không có nhãn mác.
Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh cũng phát hiện tình trạng TTBYT có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ không đúng như hợp đồng đã ký kết, hợp đồng yêu cầu trang bị máy sản xuất tại Nhật, châu Âu nhưng thực tế thì xuất xứ từ... Trung Quốc. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk, năm 2013 được trang bị máy giúp thở kèm máy nén khí trị giá 558,6 triệu đồng, model Iternis Base, Hãng sản xuất Heyer - Đức, nhưng kiểm tra thực tế thì máy này chỉ có màn hình sản xuất tại Đức, còn cục khí nén sản xuất tại Trung Quốc và bộ phận làm ẩm khí sản xuất tại New Zealand. Năm 2014, Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo được trang bị máy hút ẩm công nghiệp HM630 EB dòng máy cơ Compressor trị giá 20 triệu đồng, theo hợp đồng là công nghệ Nhật Bản chính hãng nhưng qua kiểm tra thực tế thì máy này có nhãn hiệu Trung Quốc. Tại Trung tâm Y tế Ea Súp, dù trong hợp đồng mua sắm thiết bị y tế với Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Bắc Hà năm 2012 ghi rõ máy đo bụi môi trường cá nhân giá 67,2 triệu đồng, model 3887, hãng sản xuất là Kanomax (Nhật Bản). Song, trên thực tế thiết bị này thuộc model 3887A, hãng sản xuất Kanomax (Trung Quốc).
Người bệnh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông.
Kết luận số 38 ngày 15-9-2015 của Thanh tra tỉnh nêu rõ, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế mua sắm trang thiết bị y tế bằng các hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị được các đơn vị đã tiến hành công khai, tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, biên bản mở thầu của một số đơn vị không có đầy đủ chữ ký của các đơn vị tham gia dự thầu. Bên cạnh đó, khi thực hiện mua hàng theo hình thức chỉ định thầu, các đơn vị đã lấy báo giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ xác định giá gói thầu, nhưng một số báo giá của các nhà cung cấp không có chữ ký của chủ doanh nghiệp. Và những báo giá có chữ ký đa số lại là của các doanh nghiệp trúng thầu! Hơn nữa, nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa không ghi rõ quy cách, kích thước và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Còn khi mua hàng hóa theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi, trong quá trình bàn giao TTBYT, một số đơn vị không cung cấp được tờ khai hải quan hoặc tờ khai hải quan đã bị tẩy xóa phần giá trị tính thuế và phần thuế nhập khẩu. Ngoài ra, trình tự, thủ tục mua sắm TTBYT của một số đơn vị còn chậm trễ, thời gian kéo dài dẫn tới sự đầu tư không liên tục. Tại không ít đơn vị, thành viên trong tổ chuyên gia xét thầu chưa có đầy đủ chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu theo quy định.
Thiết bị tiền tỷ... “đắp chiếu”
Được mua từ cách đây 2-3 năm song rất nhiều TTBYT do các đơn vị y tế làm chủ đầu tư mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng do không đồng bộ. Cụ thể như ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar được trang bị 2 máy Dopple tim thai dạng bỏ túi trị giá 20 triệu đồng/máy và bàn mổ phẫu thuật chỉnh hình cho máy C.Arm trị giá 382 triệu đồng từ năm 2012; tuy nhiên, đến thời điểm được kiểm tra (tháng 4, tháng 5 - 2015), bệnh viện mới sử dụng một máy Dopple tim thai, còn bàn mổ phẫu thuật chỉnh hình cho máy C.Arm không được sử dụng thường xuyên và khai thác hết tính năng do... chưa có kinh phí để mua máy C. Arm. Ở Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk, năm 2014 được trang bị nồi hấp tiệt trùng 120 lít giá 65 triệu đồng từ Công ty Cổ phần Dược – Vật tư y tế Đắk Lắk song đến nay vẫn chưa sử dụng do công suất trên điện áp nguồn lớn.
Cũng như vậy, tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, được bàn giao máy sinh hóa tự động từ ngày 21-12-2012 nhưng mãi đến ngày 1-4-2013 mới đưa vào sử dụng do lúc bàn giao, hóa chất xét nghiệm không đủ để hoạt động máy. Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng, trong hai năm 2013, 2014, mua sắm hàng chục TTBYT có giá trị từ máy cạo vôi siêu âm của Mỹ giá 15 triệu đồng, đèn tiểu phẫu treo tường một nhánh của Pháp giá 198,5 triệu đồng, cho tới dao mổ điện cao tần của Italy giá 210 triệu đồng, bàn mổ đa năng của Đài Loan giá 335 triệu đồng, máy gây mê kèm thở của Đức giá 900 triệu đồng… đều chưa được sử dụng vì thiết bị không đồng bộ, nguồn nước cung cấp không đủ.
Không chỉ đầu tư thiếu đồng bộ, nhiều đơn vị còn tiến hành mua sắm TTBYT một cách ồ ạt khi chưa khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế của đơn vị dẫn đến thiết bị không được sử dụng hoặc không phát huy hết tính năng. Điển hình như Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh đầu tư mua một tủ ấm CO2 trị giá 250 triệu đồng vào năm 2014 song đến thời điểm được kiểm tra thì thiết bị vẫn chưa được sử dụng bởi lý do... không có bệnh nhân. Hay tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar, máy soi cổ tử cung trị giá 90 triệu đồng được trang bị từ năm 2012 song đến thời điểm được kiểm tra (năm 2015) thì máy không sử dụng. Theo giải trình của bệnh viện, trước đây khoa Sản có bộ phận khám sản; đến tháng 3-2014, bệnh viện thành lập khoa Khám bệnh trong đó có bộ phận khám sản nên máy soi cổ tử cung được bàn giao cho khoa khám, nhưng hiện khoa khám... chưa có bác sĩ chuyên khoa sản để có thể sử dụng thiết bị này.
Nhìn nhận trên thực tế, hiện nay rất nhiều đơn vị y tế trên địa bàn thiếu trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu và điều trị người bệnh. Đơn cử như ở 2 khoa Nhi (Nhi tổng hợp; Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh) của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang thiếu máy truyền dịch, máy hút đờm dãi, máy thở, monitoring theo dõi bệnh nhân. Lãnh đạo các khoa này đã nhiều lần đề nghị Ban lãnh đạo bệnh viện xem xét hỗ trợ thêm máy móc để khoa thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư do thiếu kinh phí. Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Krông Bông, máy monitoring theo dõi bệnh nhân, xuất xứ của hãng Ininium - Mỹ với giá 127,5 triệu đồng được đầu tư từ năm 2012; máy hút đờm dãi hiệu SU305P, xuất xứ Gemmy – Đài Loan trang bị từ đầu năm 2014, nhưng đến nay vẫn nằm nguyên vẹn trong kho! Tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, năm 2012 được trang bị máy siêu âm xách tay hai đầu dò giá 290 triệu đồng; tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc, năm 2013 đã trang bị hệ thống mổ nội soi, xuất xứ của Đức giá trên 1,5 tỷ đồng; tại Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, cuối năm 2014 đã đầu tư máy siêu âm trắng đen xách tay Prosound 2, hiệu Hitachi Aloka - Nhật Bản với giá gần 400 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo có 3 máy châm cứu được mua từ năm 2012… nhưng đến nay tất cả đều chưa được đưa vào sử dụng.
Tình trạng “đắp chiếu” cũng xảy ra với các TTBYT được cấp từ các nguồn dự án của Chính phủ. Khi tiến hành kiểm tra 6/21 trạm y tế xã, phường thuộc Trung tâm y tế TP. Buôn Ma Thuột, Thanh tra tỉnh nhận thấy có rất nhiều TTBYT có giá trị cao do Dự án AP thuộc Sở Y tế cấp hiện chưa được sử dụng, một số vẫn còn đang để trong... kho. Tương tự, kiểm tra thực tế tại 5 trạm y tế xã trên địa bàn huyện Cư M’gar cho thấy, trong số các thiết bị do Dự án AP cấp, có một số máy móc được đưa vào sử dụng nhưng chưa phát huy hiệu quả, một số thiết bị thì vẫn đang “đắp chiếu” mà nguyên nhân là do người sử dụng chưa có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, các TTBYT do dự án cấp có tổng giá trị 1,9 tỷ đồng nhưng không sử dụng được do... thiếu hóa chất hoạt động máy, thiếu thiết bị bảo vệ và đơn vị chưa có người sử dụng.
(Còn nữa)
Kim Hồng
BÌNH LUẬN