A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thôn nghèo thiếu điện, "khát" nước sạch!

09:08 | 16/11/2015

Mặc dù nằm dọc hai bên đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ), nhưng gần 10 năm nay, gần 100 hộ dân ở thôn 1, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) vẫn phải sống trong tình trạng thiếu điện sinh hoạt, “khát” nước sạch…

Thuê điện yếu với giá cao

Thôn 1 được thành lập năm 1998, hiện có 94 hộ dân với 392 nhân khẩu, trong đó 14 hộ nghèo, 7 hộ đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc (Mường, Thái), còn lại phần lớn là người Kinh. Từ ngày thành lập đến nay, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xin đầu tư điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa có, nguyên nhân là do địa bàn cách xa trung tâm huyện, trong khi kinh phí của địa phương hạn hẹp. Để giải quyết khó khăn trước mắt, cách đây vài năm, các hộ dân trong thôn đã sang Điện lực huyện Cư Pưh (tỉnh Gia Lai) để xin kéo điện. Tuy nhiên, do thủ tục rườm rà, chi phí cao nên người dân tự đóng góp tiền bạc, công sức để mua dây, dựng trụ rồi sang xã Ia Le (huyện Cư Pưh) xin kéo điện “ké” của các gia đình có hợp đồng dùng điện. Do hàng chục hộ dân cùng sử dụng chung 1 đồng hồ điện, đường dây dẫn lại dài nên điện yếu và giá thành luôn ở mức cao do thất thoát điện năng trong quá trình sử dụng nhiều. Chẳng hạn, gia đình anh Lê Duy Thủy (trú thôn 1) hằng ngày chỉ dùng 3 bóng đèn Compact (loại bóng tiêu thụ ít điện năng), 2 quạt điện, 1 nồi cơm điện và 1 cái tivi nhưng hầu như tháng nào cũng phải bỏ ra hơn 200 nghìn đồng tiền điện. Tháng 9 vừa qua, nhà anh Thủy sử dụng hết 65 KWh điện nhưng phải trả đến 267.000 đồng. “Nếu trừ đi 10.000 đồng tiền công cho người đi thu tiền điện, gia đình tôi phải trả gần 4.000 đồng/kWh. Giá thành cao đã đành, nhiều thời điểm điện yếu tới mức quạt chẳng quay, cơm chẳng thể chín” - anh Thủy giãi bày. Không chỉ vậy, việc kéo đường dây điện chạy dài dọc Quốc lộ 14 và qua Cầu 110 (ranh giới giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai) còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Chị Nguyễn Thị Hiếu (trú tại thôn 1) kể: “Sau cơn bão số 3 vào tháng 9 vừa qua, cột điện bị hư hỏng và đường dây điện bị vùi lấp xuống suối Ea H’leo (đoạn chảy qua Cầu 110), người dân chúng tôi đã phải đào đất, móc đường dây dưới suối lên và chặt cây dựng lại cột. Biết là rất nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác, đành phải “liều” để đưa ánh sáng về cho con cái học tập”. Chủ tịch UBND xã Ea H’leo Adrơng Y Khuyen cho biết: “Trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân thôn 1 đã nhiều lần phản ánh việc họ phải mua điện yếu với giá cao, có thời điểm lên tới 7.000 đồng/kWh. Tuy nhiên, hiện nay ngành Điện vẫn chưa có phản hồi”.

Dây điện được kéo qua gầm Cầu 110 thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa,  tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Dây điện được kéo qua gầm Cầu 110 thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

“Khát” nước sạch vì suối ô nhiễm        

Không những thiếu điện, người dân nơi đây còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Ông Bùi Trọng Luận, Thôn trưởng thôn 1 cho biết: Trước đây, suối Ea H’leo là nơi duy nhất cung cấp nước sinh hoạt cho tất cả người dân trong thôn. Tuy nhiên, kể từ ngày Nhà máy chế biến sắn (mỳ) của Công ty TNHH Thành Vũ đi vào hoạt động (năm 2006) và xả nước thải ra dòng suối gây ô nhiễm, người dân chỉ dùng để tắm giặt, còn ăn uống thì phải đào giếng. Chi phí để đào một giếng có nước khá đắt đỏ, có nhà phải bỏ ra hàng chục triệu đồng, thậm chí đào đến giếng thứ 4 mới có nước. Thế nhưng, do nước ngầm bị nhiễm phèn nên người dân chỉ dùng để tắm giặt, tưới cây trồng chứ không thể sử dụng ăn uống. Chị Nguyễn Thị Hiếu chia sẻ: “Lúc đầu, gia đình tôi cũng dùng nước giếng để sinh hoạt nhưng từ khi thấy đáy nồi xuất hiện lớp váng màu trắng dày đặc sau khi nấu, chúng tôi sợ nước bị ô nhiễm nên đã chuyển sang mua nước bình đóng sẵn về nấu thức ăn và nước uống. Người dân ở đây chủ yếu là lao động nghèo nên việc phải mua nước bình đóng sẵn (giá 12.000 đồng/bình, cứ 3-4 ngày phải đổi 1 bình 20 lít) thì đó là một khoản tiền không hề nhỏ”.

Đã có phương án, nhưng phải ... chờ!

Trao đổi về vấn đề điện, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk Lê Hoài Nhơn cho biết: Ngày 8-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg về Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020. Toàn bộ Chương trình có vốn đầu tư khoảng 28.809 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và vốn vay ODA chiếm 85% tổng mức đầu tư; 15% còn lại là vốn đối ứng của ngành Điện (Dự án bao gồm tỉnh Đắk Lắk và 47 tỉnh khác trong cả nước). Dự án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn 2013-2015, tại tỉnh ta có 37 thôn, buôn được đầu tư xây dựng, trong đó Dự án cấp điện cho thôn 1, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) được triển khai trong thời gian 2012-2014, với khối lượng đầu tư xây dựng mới gồm: 2 km đường dây trung áp, 2 km đường dây hạ áp, tổng dung lượng 160 kVA, cấp điện cho 120 hộ. Lúc đầu, dự án được giao cho ngành Điện làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, xét đề nghị của Bộ Công Thương, ngày 6-2-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo chuyển giao chủ đầu tư Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Đắk Lắk từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về UBND tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, dự án này đang được Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan chuẩn bị nội dung, thủ tục để đề xuất phương án trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở dĩ dự án này đến nay vẫn chưa được triển khai là do nguồn vốn chưa được Trung ương “rót” về địa phương”.

Về vấn đề nước sạch, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Lê Thăng Long cho biết: Thời gian trước đây, UBND huyện Ea H’leo đã có chính sách hỗ trợ tiền để người dân khoan giếng, mua tẹc trữ nước mưa, mua nước sạch... Tuy nhiên, do địa chất vùng đất này nguồn nước ngầm thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là thời gian mùa khô, trong khi nguồn vốn của địa phương hạn hẹp nên hiện nay địa phương đã dừng việc hỗ trợ và cũng đã có nhiều văn bản đề xuất với cấp trên giúp địa phương tháo gỡ khó khăn. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã có văn bản trả lời, theo đó trong thời gian 2 năm 2017-2018, Bộ sẽ cấp kinh phí cho địa phương nâng cấp, mở rộng Công trình thủy lợi Ea H’leo. Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ phần nào giải quyết khó khăn về nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Thiết nghĩ, trong thời gian chờ đợi để được hưởng lợi từ các chương trình cấp điện, nước của Nhà nước, chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ  người dân từ các chương trình an sinh xã hội, giảm gánh nặng thuê điện giá cao cũng như mua nước đóng bình giúp họ ổn định cuộc sống. Đặc biệt cần thiết phải kiểm tra việc xả nước thải của Nhà máy chế biến sắn để xử lý nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ở nơi đây.

 Thế Hùng

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ