A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kỷ niệm 39 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975 - 10-3-2014) diện mạo Buôn Ma Thuột đến năm 2025

15:22 | 10/03/2014

Ngày 13-2-2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Quyết định 249/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025.

Theo đó, Buôn Ma Thuột sẽ là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các đầu mối giao thông, thương mại, công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục - y tế, thể dục thể thao…

Buôn Ma Thuột – Thành phố có nhiều nét riêng

Theo Quy hoạch này, định hướng phát triển không gian của Buôn Ma Thuột bao gồm: vùng phát triển đô thị, các chức năng khác thuộc vùng ngoại thị và các trung tâm chuyên ngành. Đối với vùng phát triển đô thị, các khu đô thị hiện hữu (các phường Tân An, Tân Lợi, Thắng Lợi, Thành Công, Tự An, Ea Tam, Thành Nhất và Khánh Xuân) sẽ được cải tạo chỉnh trang, hạn chế phát triển mới cũng như chuyển đổi chức năng đất; nâng cấp các công trình công cộng; cải tạo các khu ở và hệ thống công trình hạ tầng xã hội đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; nâng cấp và cải tạo môi trường các khu phố cũ; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Về các khu đô thị mới sẽ phát triển thêm 4 khu gắn với các chức năng chuyên ngành, đó là: đô thị mới phía Đông Bắc có hình thức kiến trúc hiện đại kết hợp truyền thống, hình thành đô thị cửa ngõ; đô thị sân bay (dự kiến nằm phía Bắc sân bay) là khu đô thị hỗ trợ cho các khu vực thương mại kho vận, trung chuyển; đô thị văn hóa - thương mại - y tế nằm phía Nam trục đường Đông - Tây, bố trí các cụm công trình thương mại hiện đại, kết hợp với các dịch vụ nghỉ dưỡng; đô thị đại học bao gồm các trung tâm đào tạo trung học, cao đẳng dạy nghề, đại học, viện nghiên cứu. Riêng các khu chức năng khác thuộc vùng ngoại thị sẽ có khu, vùng du lịch lớn ven hồ Ea Kao, sông Sêrêpôk, Đồi Xanh, suối Ko Tam; các khu công nghiệp - kho vận Hòa Phú, Tân An, Hòa Xuân…


Một góc TP. Buôn Ma Thuột.

Tạo điểm nhấn cho Buôn Ma Thuột

Về giải pháp thiết kế đô thị, đối với khu vực đô thị hiện hữu sẽ hạn chế phát triển và ưu tiên cho các giải pháp cải tạo chỉnh trang đô thị. Theo đó, tại các tuyến đường trục chính sẽ ưu tiên phát triển các công trình kiến trúc hiện đại mang bản sắc kiến trúc Tây Nguyên. Có thể phát triển cao tầng ở một số không gian công cộng có khoảng mở lớn (các quảng trường). Tại các khu dân cư thương mại hiện hữu hạn chế phát triển cao tầng, khống chế chiều cao tối đa cho các khu dân cư khoảng 5 tầng. Trong các khu dân cư, tập trung vào các giải pháp cải tại kiến trúc mặt đứng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đối với các khu đô thị mới sẽ có hệ thống hạ tầng đồng bộ, kiến trúc theo hình thức hiện đại, cao tầng tại một số khu vực trung tâm, quảng trường đan xen với một số khu vực có kiến trúc truyền thống. Vấn đề bảo tồn buôn làng cũng đã được đề cập, theo đó đối với các buôn còn ít giá trị bảo tồn tạo điều kiện cho cộng đồng chuyển đổi sang phát triển các khu đô thị văn minh hiện đại. Riêng những buôn có giá trị bảo tồn cần lên phương án bảo tồn và hỗ trợ người dân trong công tác này; gắn các buôn với việc khai thác các dịch vụ du lịch và hình thức du lịch ở tại nhà dân…

Liên quan đến giải pháp thiết kế đô thị Buôn Ma Thuột, có một nội dung được đông đảo giới chuyên môn lẫn người dân thành phố quan tâm, đó là khai thác các con suối. Theo đó các con suối hiện có như Ea Tam, Đốc Học… sẽ được mở rộng, khơi thông lại dòng chảy, tổ chức các tuyến đi dạo và hệ thống dải cây xanh dọc tuyến, tổ chức thành các phố đi bộ, cảnh quan, mua sắm hàng lưu niệm và thưởng thức cà phê.


Cây xanh trong thành phố - một trong những nét đặc trưng của đô thị Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh các con suối, việc bảo tồn, phát triển các buôn có giá trị cũng cần được sớm triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo giá đất ở các buôn này cũng tăng nhanh đến chóng mặt. Trong hoàn cảnh đó và trước áp lực về kinh tế, nếu chúng ta không có biện pháp bảo tồn kịp thời, chuyện đồng bào sang nhượng bớt một phần đất đai để lấy vốn làm ăn hoặc dỡ bỏ nhà dài chuyển sang xây nhà theo kiến trúc mới, phá vỡ nét riêng của buôn đồng bào là rất dễ xảy ra. Và như vậy Buôn Ma Thuột sẽ không còn là Buôn Ma Thuột điển hình vì thiếu mất những nét riêng mang đậm bản sắc Tây Nguyên như mục tiêu đã đặt ra.Nhìn tổng quan quy hoạch TP. Buôn Ma Thuột cho thấy thành phố được quy hoạch phát triển theo trục Đông Bắc - Tây Nam. Điều này cũng có nghĩa là con suối Ea Tam chảy dọc qua các phường: Tân Lập, Tự An, Ea Tam, Khánh Xuân, Hòa Xuân đổ ra sông Sêrêpôk sẽ chạy giữa thành phố. Vì vậy, suối Ea Tam rất có ý nghĩa trong việc tạo cho Buôn Ma Thuột có những nét riêng – thành phố giữa rừng cây và dòng suối. Giới kiến trúc ví von suối Ea Tam như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, cần phải được đánh thức. Theo Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dak Lak Diêu Quang Hùng thì việc tất yếu là phải khai thác con suối này một cách hiệu quả, có như vậy TP. Buôn Ma Thuột mới “khác” các đô thị khác và càng “hấp dẫn” những ai một lần đặt chân đến. Nhiệm vụ đầu tiên là phải tiến hành quy hoạch chi tiết việc sử dụng đất dọc hai bên bờ suối và quản lý tốt quy hoạch. Tiếp đó là tiến hành khai thác con suối như quy hoạch đã được phê duyệt; phải làm thế nào “bộc lộ” được con suối này. Hiện tại, dọc con suối có những điểm dễ tiếp cận nhưng chưa đẹp; lại có những điểm rất đẹp nhưng không tiếp cận được do bị bao bọc bởi nhà dân, đất sản xuất và không có đường đến; cũng có nhiều điểm rất xấu và bẩn. Vì thế, phải khai thác con suối bằng cách xây dựng hai tuyến giao thông một cách tinh tế song song hai bên bờ suối; trên tuyến đường này sẽ được trồng các loại cây xanh “đặc trưng” của Buôn Ma Thuột, như: cà phê, kơ nia…; tất cả nhà dân dọc theo tuyến này đều quay mặt ra đường giao thông này, tức là quay ra suối. Trong điều kiện tài chính có hạn, có thể lựa chọn triển khai từng khu vực, chỗ nào dễ thì làm trước theo hình thức vừa làm vừa vận động nhân dân cùng thực hiện. Một dòng suối trong mát chảy lượn giữa thành phố với chức năng thư giãn, giải trí được khai thác triệt để sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Buôn Ma Thuột. Và từ đây, hàng loạt dịch vụ vui chơi giải trí khác cũng sẽ được phát triển, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân Buôn Ma Thuột.

Khác với nhiều thành phố khác trong cả nước, Buôn Ma Thuột có những lợi thế riêng mà không phải thành phố nào cũng có được - đó là địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển Buôn Ma Thuột thành “Thành phố xanh”, “Thủ phủ xanh của Tây Nguyên”.

Ngọc Nguyên 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ