A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hủy hoại thương hiệu

08:47 | 11/09/2014

Gần đây, thông tin về độ mất an toàn thực phẩm quay trở lại, làm cho không chỉ những bà nội trợ băn khoăn mỗi khi mua hàng, mà còn khiến cả xã hội lo lắng.

 
Nguyên liệu chế biến cà phê chỉ là hạt đậu nành, bắp và hóa chất không rõ nguồn gốc
Ảnh: DAKLAK Online
1. Việc Công an Hà Nội bắt một vụ tẩy trắng mực ươn rồi "hô biến” thành mực tươi  ngon, khiến người ta bàng hoàng. Hơn 400 kg mực ươn bốc mùi, đã vào giai đoạn phân hủy biến thành mực "tươi” trắng. Đó là do kẻ trục lợi đã cố tình ngâm tẩm, tẩy trắng mực ôi thối để lừa người tiêu dùng, nhằm kiếm lợi. Phương thức tẩy trắng mực là sử dụng hóa chất để tẩy. Theo các chuyên gia y tế, loại hóa chất này hoàn toàn có thể làm bục dạ dày khi ngấm nhiều vào thực phẩm; nhẹ thì cũng gây ra rối loạn tiêu hóa, gây ra bệnh đường ruột. Chủ cơ sở tẩy trắng mực khai nhận, giá 1 kg mực ươn là 15.000 đồng/kg, sau khi dùng hóa chất ngâm tẩy trắng sẽ bán ra thị trường giá 60.000 đồng. Trung bình cơ sở này bán 300 - 500 kg mực ngâm tẩm hóa chất ra các chợ đầu mối mỗi ngày. Một con số quá khủng khiếp! Không biết bao nhiêu người đã ăn phải loại mực độc hại kép này: độc hại từ thực phẩm quá đát và độc hại đến từ dư lượng hóa chất.
 
Cùng với con mực ươn được tẩy trắng, là chuyện hạt gạo.
 
Dư luận đặc biệt e ngại trước thông tin gạo bán trên thị trường (nhất là ở các thành phố lớn), nhìn nõn nà trắng trẻo, nấu lên có hương vị thơm đặc biệt; nhưng hóa ra không phải tự thân hạt gạo có mùi thơm mà cũng lại là do ngâm tẩm hóa chất.
 
Có thể con cá mực không nhiều người có tiền mua để ăn, nhưng với hạt gạo thì với người Việt Nam ai cũng phải ăn hàng ngày. Hương liệu làm cho hạt gạo thơm lên dẫu rằng không độc hại nhiều, nhưng rốt lại cũng là chuyện lừa người tiêu dùng, là chuyện gian lận thương mại làm mất uy tín của hạt gạo Việt Nam. Từ loại gạo bình thường (giá rẻ), người ta đã ướp hương liệu vào để bán với giá cao, tương đương với giá gạo Thái, gạo Tám, gạo Bắc Hương, gạo Hương Lài… Loại gạo này mới mua về nấu lên có mùi thơm khá hấp dẫn, nhưng chỉ vài ngày sau mùi hương đã bay biến, còn trơ lại loại gạo thường.
 
Thông tin cho biết, các loại thuốc được chứa trong các lọ nhựa có màu phớt xanh, khi mở ra ngửi sẽ có mùi thơm như mùi gạo nếp. Họ dùng thuốc này trộn đều với gạo rồi đóng bao, đem bán. 
 
Loại gạo này đã ẩn chứa nguy cơ, nhưng kinh khiếp hơn còn là loại gạo được dùng hóa chất để bảo quản, tránh mốc, giảm mục. Người ta phun hóa chất bên ngoài bao gạo, nhưng hoàn toàn có khả năng hóa chất ấy sẽ ngấm vào bên trong, từ đó gây họa cho người tiêu dùng.
 
Chưa hết, cuối tháng 8 vừa rồi, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản Đăk Lăk khi tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở chế biến cà phê tại TP Buôn Ma Thuột đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có việc mất vệ sinh ở khâu chế biến, sử dụng một số phụ gia không rõ nguồn gốc. Người ta đã tiến hành làm loại cà phê này suốt 2 năm qua, trung bình một tháng sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm cà phê bột, với mức giá trung bình 78 nghìn đồng/kg. Tại cơ sở sản xuất, không thấy một hạt cà phê nào mà chỉ thấy hạt đậu nành, bắp và các can đựng hoá chất. Chủ cơ sở sản xuất khai nhận cứ trộn hương liệu vào đậu, bắp sau khi rang xay rồi đóng gói là xong. 
 
2. Xung quanh 3 vụ việc gian lận thương mại này có thể thấy tình trạng đã ở mức báo động. Việc ngâm tẩm hóa chất, hương liệu không rõ thành phần độc tố vào thực phẩm là mối lo tiềm tàng đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đối với hạt gạo và cà phê, mối lo còn lớn hơn: đó là việc tự mình hủy hoại thương hiệu của mình ở những sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
 
Vượt qua biết bao gian khó, với biết bao nỗ lực nước ta đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới; hạt gạo Việt Nam tuy chưa có giá cao như một số gạo thương hiệu quốc gia khác khi xuất khẩu, nhưng về số lượng thì ta ở vào hạng vô địch. Đã có biết bao hội nghị, cuộc họp, diễn đàn trao đổi để nâng cao thương hiệu hạt gạo Việt Nam. Đã có biết bao trăn trở của người nông dân cho đến các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước về đời sống người trồng lúa, về quy hoạch, cải tạo giống lúa, về năng suất và chất lượng hạt gạo... Xây dựng thương hiệu rất khó, vậy nhưng chỉ vì trục lợi mà ai đó đã làm hỏng hạt gạo. 
 
Với cà phê cũng trong tình trạng tương tự. Cà phê Việt Nam (nguyên liệu) nổi tiếng thế giới, xuất đi rất nhiều thị trường và được đánh giá cao. Nhưng, "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, chỉ vì hám lợi mà làm ra loại "cà phê đểu” thì đó chính là mối lo tiềm tàng.
 
Vì thế, việc ngăn chặn, kiểm tra, phạt nặng đối với những cơ sở gây mất an toàn thực phẩm, phá hủy thương hiệu nông sản phải được tiến hành một cách thường xuyên, nghiêm túc.
 
BẮC PHONG

    nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ