A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cái quà là cái chi chi?

10:07 | 14/11/2014

Còn ngót tuần lễ nữa sẽ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, dịp các nhà giáo chân chính tận hưởng hạnh phúc nghề nghiệp, tình quý trọng thương yêu của những học sinh mình đang dạy, và hơn thế, của những học sinh từng đã dạy.

Song mới đây có ngôi trường đã thông báo: "Dịp 20-11, nhà trường xin không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào”. Sự thực là, từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã có những thầy cô "trốn” học sinh dịp 20-11, nhưng từ chối nhận quà một cách công khai, có tính tập thể, như thông báo trên, thì chỉ mới có vài năm nay. Sao lạ vậy? Cái quà là cái chi chi? Vấn đề là của nhà giáo hay xã hội đây.
 
 
20-11 là Ngày Nhà giáo được tôn vinh
 
Nghe nhà giáo trải lòng dịp này trên báo chí, dễ cảm được mối quan hệ thày trò giờ đây vẫn khá nhiều lo lắng. Học trò như thực dụng hơn xưa và nghề thầy cũng bị thương mại hóa. Làm sao có được tình cảm thầy trò chân thành, trong sáng trong tình thế "tiền trao cháo múc”, khi cha mẹ dùng phong bì mua thành tích cho con. Thầy cô sa đà trong dạy thêm và những giờ lên lớp vô cảm. Tình trạng chưa quá trầm trọng nhưng luôn có khả năng lây lan. 
 
Nó lây lan tới đâu ắt những thầy trò tử tế cảnh giác tới đấy. Gần ngày 20-11 sao khỏi chợt chạnh lòng khi nghe thấy những lời vô tình hay cố ý – phàn nàn về tốn phí cho Ngày Nhà giáo. Vâng, ngày 20-11 không phải không có những nỗi buồn. Và những nỗi buồn không phải không sâu sắc. Dư vị đắng đót ấy sẽ đến, khi người trong cuộc – các nhà giáo, bỗng nhận ra học trò hay phụ huynh đến thăm ta không chỉ vì quý mến mà còn vì một lẽ khác, thực dụng hơn, tới mức người thầy có lương tâm xót xa thấy như người ta muốn mua mình.
 
Biết vậy, nhưng việc từ chối nhận quà dưới mọi hình thức của một tập thể nhà giáo bằng cách trưng «Thông báo» như trên, lại tựa như một phản ứng «tuyệt vọng». Chủ động bày tỏ thái độ «vô cảm» ấy liệu có đe dọa không, tình thầy trò có thật. Có thủ tiêu không, những sáng tạo quà cáp tinh tế tràn đầy tình cảm mà những học sinh tử tế muốn bày tỏ dịp này. Tôi nhớ ngày 8-3 xưa đi học lớp một, cô giáo dạy cắt bông hoa thật đẹp dán vào tờ giấy trắng mang về tặng mẹ, mẹ rưng rưng món quà con làm… 
 
Quà nào thấm đẫm tình cảm ấy là quà vô giá. Con trẻ/ học trò rất nhạy cảm. Cha mẹ/ thầy cô cũng vậy. Không có quà cáp nào lâu dài được nếu nó sinh ra từ cảm xúc giả trá. Ngày trước chúng tôi lên huyện miền núi Lào Cai viết về giáo viên cắm bản. Nhà tranh vách đất gió lùa tứ bề. Cô giáo vùng cao đứng tuổi không kìm được xúc động lôi từ đáy rương ra chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Slava cũ kỹ, mắt ánh niềm tự hào, "học trò cũ tôi đi học tận Liên Xô mang về tặng nhân 20-11 đấy”. Người giáo viên sống độc thân ấy hẳn rất ấm lòng vì mình đã có những đứa con tinh thần hiếu thảo. Những chuyện tương tự như thế không ít. Với nhà giáo, đó là động lực lớn lao để có thể kiên trì và hào hứng đi tới trong sự nghiệp "trồng người”.
 
Sắc sảo mà đôn hậu. Tinh tế mà hồn nhiên. GS Trần Hữu Tá trong một dịp 20-11 có chia sẻ với Đại Đoàn kết rằng, năm nào ông cũng chờ đợi ngày này với những niềm vui mới mẻ, khó tả. "Đó là ngày tôi được đọc những lá thư tình nghĩa của học trò chắc giờ đây tóc bạc chẳng kém thầy. Đó là ngày tôi được tiếp không hẹn trước những học trò rất nhớ mặt những quên tên, chỉ ngồi với nhau một lúc đã nhớ lại vô số kỷ niệm…” - ông nói. 
 
Thầy thế nào sẽ có trò như thế. Cha tôi cũng là nhà giáo. Cả đời ông cống hiến cho nền giáo dục đất nước từ những năm 60 thế kỷ trước. Khi ông qua đời, trong những kỷ vật ông để lại cùng thư từ bạn hữu thân thiết, tôi sững sờ thấy có cả quà 20-11 học trò tặng mà ông đã cất giữ gần nửa thế ký. Ố vàng và mờ chữ, những trang giấy học trò của ông viết lời gan ruột tặng thầy: «Thầy ơi ngoài giờ lên lớp thầy ít nói quá. Em khâm phục nhất sự hiểu biết rộng lớn, em cảm tưởng thầy biết tất cả ». «Em mong thầy bớt nghiêm khắc hơn ». «Cảm ơn thầy dạy chúng em yêu quý văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà trước đây chúng em không coi trọng, như chèo, tuồng»… 
 
Sững sờ vì ngày ấy học trò sống thật, dám nói thật lòng mình như thế. Những điều đó có sức dội thẳng vào trái tim, mặc thời gian biến thiên. Sững sờ còn vì tự hào, thầy phải sống thế nào, học trò mới tin, mới dám nói thật như thế. Những lời thầy vắt ra từ tâm can truyền dạy cho trò, được trả lại cũng chính từ tâm can trò như thế. Đó là quà vô giá. 
 
Tình nghĩa thầy trò dằng dặc như thế. Và sống là tư duy độc lập. Sao nhà trường nỡ sống thay/hộ tất cả thầy cô để thông báo «không nhận quà». Quan trọng là nếu không được dạy dỗ, rất có thể có những học trò sẽ mãi mãi không bao giờ biết cách tặng quà sao cho tử tế, bằng tình cảm và lòng yêu thương, trân trọng. Không bao giờ hiểu được người có lòng tự trọng và biết trọng người, sẽ không tặng quà lối "phong trào” ào ào, lối cỏ rả nặng mùi "con buôn” … 
 
Văn hóa và giáo dục là những thứ không mua được bằng tiền, phải được dạy dỗ chỉ bảo tận tâm. Một xã hội tử tế, ngôi trường tử tế là biết sẵn phản ứng nhạy bén với những "mùi xung đột”, mùi thực dụng, để mà xử lý, xây dựng một môi trường hiện đại, ổn định, thay vì phản ứng cực đoan. 
 
Từ chuyện tặng quà, thầy và trò hoàn toàn có thể đối thoại về cho và nhận. Và vì sao tình thầy trò mãi là tài sản giàu có nhất của mỗi người. Có thể gọi đó là hạnh phúc được là chính mình, được trao truyền sẻ chia kinh nghiệm sống. Có vậy mới ngăn chặn được thói cư xử sáo rỗng, hình thức, thực dụng…lây lan trong đời sống, không chỉ ở học đường.
 
Đến ngày thiêng liêng 20-11 này, lãnh đạo các cấp nếu bớt những buổi trống dong cờ mở, dành chút thời gian gặp gỡ các thầy cô ở những nơi khó khăn để biết họ sống ra sao, để nghe họ tâm sự và góp ý, đó cũng là món quà thịnh tình để lớp lớp học trò được tự hào về những người dạy dỗ mình. Và là cách hay giúp xã hội hiểu hơn, cái quà là cái chi chi…
 
Thanh Như

 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ