A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hạn chế rút BHXH một lần: Lương hưu chưa hấp dẫn

15:42 | 16/08/2023

Nguồn tích lũy duy nhất mà công nhân dựa vào khi khó khăn, việc làm không đảm bảo chính là khoản BHXH một lần, nên việc rút BHXH một lần là tất yếu.

Tại Hội thảo lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP HCM mới đây, bà Vũ Kim Xanh (tỉnh Đồng Nai) cũng đã 2 lần rút BHXH một lần. Lần cuối cùng cách đây 5 năm khi đóng BHXH được 12 năm. Thời điểm đó bà đã 49 tuổi, không tìm được việc làm mới sau khi nghỉ việc nên buộc phải rút BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống. "Tôi rất muốn được hưởng lương hưu nhưng thời gian chờ đợi quá dài, hơn nữa không có doanh nghiệp (DN) nào chịu tuyển lao động ở độ tuổi của tôi nên không có nguồn thu nhập để duy trì tham gia BHXH. Do vậy, tôi đề nghị nên có chính sách hỗ trợ lao động lớn tuổi chuyển đổi nghề nghiệp nhằm tạo nguồn thu nhập để họ gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH" - bà Xanh đề nghị.

Hạn chế rút BHXH một lần: Lương hưu chưa hấp dẫn - Ảnh 1.

Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn chỉ ra một số bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh. Bạn đọc Ngô Thành Vạn Phúc Toại ấm ức: "Khối cơ quan nhà nước được tính lương hưu là bình quân 5 năm gần nhất khi đến tuổi. Còn người lao động chúng tôi thì lại tính bình quân tất cả năm tham gia. Tiền thì mất giá. Khi tôi tham gia bhxh năm 2004 thì mức luong mấy trăm ngàn. Cộng từ đầu đến khi nghỉ hưu bình quân ra không đủ chi phí cho bản thân sinh hoạt chứ đừng nói đau ốm. Nếu không thay đổi cách tính lương hưu cho người lao động thì không ai chờ hưởng lương hưu cả. Đi khảo sát thực tế xem ai đang lãnh lương hưu thì phải 99.9% là làm cơ quan nhà nước thôi. Còn người lao động chắc không có ai chờ hết".

Đồng quan điểm, bạn đọc Vũ Hoàng góp ý: "Cách tính lương hưu chưa hợp lý. Tính trung bình nhiều năm nhưng hệ số trượt giá quá thấp, không đủ bù lạm phát, đồng tiền mất giá. Đề nghị hệ số trượt giá khi tính lương hưu bằng lãi suất ngân hàng trung bình của các năm do NHNN huy động vốn. Chứ lãi suất ngân hàng thì 8-10% mà trượt giá chỉ 2% thì lương hưu thấp là tất yếu".

Theo bạn đọc Đặng Phước Thành, tóm lại là phải hưởng mức lương tổng của 5 năm cuối và được 70% thì mới giữ lại được người lao động để hưu. Chứ còn tính tổng mức lương thì người lao động không tha thiết. Bạn đọc Hồng Lâm bày tỏ: "Thời gian đóng thì dài, tuổi hưởng lương hưu thì cao, thời gian hưởng thì ngắn, lương hưu không đủ sống nên NLĐ không mặn mà với chính sách là chuyện dễ hiểu".

Bạn đọc Nguyễn Vũ Dương phân tích thêm: "Đầu tiên người lao động đến 60 tuổi sức khỏe giảm sút, việc họ thọ bao nhiêu năm nữa không ai biết. Thứ hai mức tính lương BHXH ở khu vực ngoài quốc doanh rất thấp hầu hết công ty chỉ đóng cho công nhân phổ thông ở mức tối thiểu . Thứ ba doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ sử dụng lao động trẻ ở mức 50 tuổi đổ về. Thứ tư mức trượt giá trị tiền tệ Việt Nam khá cao so với năm trước đó".

Hạn chế rút BHXH một lần: Lương hưu chưa hấp dẫn - Ảnh 4.

Bạn đọc giấu tên phân tích: "Khi mà cuộc sống trẻ chưa lo được thì sao nghĩ đến tuổi già. Nếu có việc làm có thu nhập đảm bảo thì chã ai cần rút BHXH 1 lần dù biết rằng BHXH hiện tại còn nhiều điều rất là nghịch lý. Tại sao đóng 20 năm thì 45% rồi tới đây 15 năm thì 45% rồi tại sao mỗi năm gọi là nghỉ trước thì lại bị trừ 2% tiền đóng vào không đẻ lãi thì thôi sao lại bị trừ mất đi. Đóng 15 năm được 45% thì sao khi mất việc ở tuổi 40 rồi chờ 20 năm đến 22 năm mới được nghỉ hưu thì 20 hay 22 năm chờ kia đã bị trừ mất 40 hay 44% lương hưu rồi, vậy thực lãnh là 5% với 1% thì chờ để làm gì".

67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng

Giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia là 5-6%/năm. Trong đó, 67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng BHXH trở lên, tuổi bình quân khoảng 42 tuổi. Gần 91% người rút BHXH một lần làm việc tại khu vực ngoài nhà nước.

Độ tuổi hưởng từ 20-40 chiếm gần 80% và gần 99% hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc và không tham gia BHXH. Sau khi hưởng BHXH một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH, chiếm khoảng 26% số người hưởng BHXH một lần giai đoạn này.

Cùng góc nhìn, bạn đọc Hoàng Long viết: "Đơn giản là cách tính bảo hiểm bây giờ công nhân họ chẳng thấy có gì hấp dẫn, họ rút một lần là phải rồi. Thời gian đóng thì dài, tuổi hưởng lương hưu thì cao nên công nhân họ chẳng hứng thú đợi,họ rút một lần". Bạn đọc Đỗ Văn Dần đề xuất: "Ban soạn thảo thử nghiên cứu xem thời gian tham gia bảo hiểm để nhận đủ tỉ lệ 75% giữa lao động nam và nữ. Cụ thể: Tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi của nữ là 60 tuổi. Trong khi đó thời gian đóng để được hưởng tối đa 75% của lao động nam là 35 năm còn nữ là 32 năm thì chưa hợp lý với chênh lệch theo tuổi nghỉ hưu. Xin đề xuất sửa thời gian đóng của nữ là 30 năm của nam là 32 năm thì được hưởng tỷ lệ lương hưu 75%".

An Khánh

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/cong-doan/han-che-rut-bhxh-mot-lan-luong-huu-chua-hap-dan-20230816091136875.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ