A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hoa thiên lý, thực phẩm vàng của mùa hè

15:08 | 03/07/2015

Hoa thiên lý được sử dụng rộng rãi trong chế biến món ăn như một phương thuốc chữa bệnh. Vào những ngày hè, món canh thiên lý nấu thịt băm là cách giải nhiệt hiệu quả cho cơ thể.

Ở một số vùng miền Bắc, hoa thiên lý còn gọi là dạ lý hương, dạ lài hương, thường trồng leo trên giàn, cành non, có lông mịn, mủ trắng, lá có phiến hình tim, hoa ăn được và thuộc họ thiên lý. Mùa hoa nở chủ yếu vào dịp hè. Thiên lý là loại hoa có tính giải nhiệt cao, tác dụng của hoa rất tốt cho sức khỏe mà ai cũng biết. Trẻ nhỏ và người lớn ăn canh hoa thiên lý, lá thiên lý non; còn trẻ ăn dặm có thể nghiền lá non và hoa thiên lý, quấy bột, cháo cho trẻ ăn rất mát. Tại Thái Lan, cả hoa và lá cây thiên lý dùng chữa viêm kết mạc cấp và mạn tính, viêm kết mạc do bệnh sởi, mắt mờ không nhìn rõ do mộng thịt.

 

Hương thơm đặc biệt

Nhiều người cho rằng hoa thiên lý có nguồn gốc tại Hawaii nhưng thực tế, loài hoa có đặc tính dược liệu này đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, sau đó được những người Trung Quốc nhập cư đưa đến Hawaii. Thiên lý có hương thơm dễ chịu, người Trung Quốc xưa từng có truyền thuyết về năng lực mùi hương thần bí của hoa như sau: Xưa kia, một toán chiến binh gan dạ nọ đến chiếm giữ một tòa lâu đài của đối phương. Vào lúc hoàng hôn, họ tình cờ ngửi thấy một mùi hương ngọt ngào lan tỏa trong không khí. Khi hít vào, bản tính hiếu chiến của những chiến binh dần lụi tàn và đến sáng hôm sau họ đã bị khuất phục, từ bỏ hy vọng đánh chiếm lâu đài và rút lui.

Ăn hoa chữa bệnh

Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình. Ngoài công dụng giải nhiệt, ngừa rôm sảy, giúp trẻ chóng lớn, ngừa chứng phì đại tuyến tiền liệt ở người già, tăng sức đề kháng hoa còn là vị thuốc an thần, bổ tâm, kháng viêm, đỡ mệt mỏi đau lưng và ngủ ngon giấc.

Rễ cây có tác dụng chữa tiểu buốt, nước tiểu lẫn máu hoặc có cặn trắng. Lá thiên lý dùng trong sát trùng, diệt khuẩn, kích thích mọc da non, thường đắp lên mụn nhọt, chữa lở loét, trĩ ngoại và sa dạ con. Hoa thiên lý còn trợ dương cho nam giới. Chất kẽm của hoa giúp loại bỏ lượng chì ra khỏi tinh dịch, chữa vô sinh ở nam giới, đặc biệt những người làm trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với độc tố chì có trong bình ắc-quy, xăng pha, động cơ chứa chì…

Hoa mắt, chóng mặt: Hoa thiên lý và bạch cúc mỗi thứ 10g, lá đinh lăng và rau má mỗi thứ 8g, ngải cứu 12g rửa sạch, sắc uống mỗi ngày một thang, chia thành ba lần/ngày, dùng liên tục trong 5 ngày.

Mụn nhọt: Dùng 30 - 50g lá cây thiên lý giã nhỏ để đắp lên chỗ nhọt, mỗi ngày thay một lần, trong vài ngày sẽ khỏi.

Tiểu buốt: Lấy rễ cây thiên lý (10 - 20g) sắc nước uống, 2 - 3 lần/ ngày và uống trong 5 ngày.

Trị giun ở trẻ nhỏ: Hoa thiên lý 30g, rau sam 20g, lá đinh lăng 25g. Ba thứ rửa sạch, sao khô, sắc lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày chia làm 3 lần, uống liên tiếp trong 3 ngày.

Chữa trĩ: Chuẩn bị 100g lá thiên lý còn non (rửa sạch) và 5g muối ăn, giã nhuyễn lá với muối, thêm khoảng 30ml nước cất, lọc qua vải sạch. Lấy bông gòn thấm nước này đắp lên vết thương (sau khi vệ sinh sạch với thuốc tím) rồi băng lại như đóng khố. Làm từ 1 - 2 lần mỗi ngày, sau 3 - 4 ngày sẽ lành.

Mất ngủ: Dùng hoa thiên lý 30g, hoa nhài 10g, tâm sen 15g. Sắc kỹ các thứ trên, lấy nước uống trong ngày, từ 3 - 5 ngày.

Xào hoa thiên lý với thịt bò hoặc luộc chấm với muối mè ăn hàng ngày chữa đau mình mẩy, nhức xương. Canh thiên lý nấu với giò sống vừa ngon lại rất bổ dưỡng. Chỉ cần nấu sẵn nước xương, khi sôi cho giò sống vào, giò chín thêm hoa thiên lý, nêm gia vị vừa ăn là được. Món ăn này còn trị giun kim và giải nhiệt hiệu quả. Muốn nấu với cua, hãy đun sôi canh cua rồi thả hoa thiên lý vào, nấu sôi lại và cho gia vị đủ dùng.

Hàng ngày lấy hoa thiên lý nấu canh ăn để thư giãn sau các buổi làm việc căng thẳng, cảm giác trong người khoan khoái, ngủ dễ ngon giấc, đỡ mệt mỏi, giảm tiểu đêm. Nếu mất ngủ thường xuyên, nấu chung hoa thiên lý với lá vông nem, mỗi thứ từ 30 - 50g, rửa sạch, khi nấu cắt nhỏ, nêm đủ mắm, muối và bột nêm, ăn từ 4 - 7 ngày. Khi chế biến món ăn với hoa thiên lý, không xào hoa quá chín sẽ giảm bớt chất dinh dưỡng, hoa nát và mất ngon.

Cần lưu ý, hoa thiên lý có chứa thành phần kẽm, vì thế tránh xào nấu với thực phẩm nhiều chất sắt như gan, thịt heo, rau muống… Chất sắt có trong thực phẩm có thể loại bỏ chất kẽm ra khỏi cơ thể.

Trường Thi

 

    Nguồn: langvietonline.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ