A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thách thức trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước - Kỳ I

07:59 | 04/10/2016

Trong sân chơi chung bình đẳng, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) bắt buộc phải tự đổi mới. Tuy nhiên, lộ trình này còn lắm gian nan và thách thức.

Kỳ I:  Bước ra từ “bầu sữa” bao cấp của Nhà nước

Trước khi sắp xếp, cổ phần hóa, các DNNN đều giống nhau là được sự bao cấp nên lời được ăn, còn lỗ Nhà nước chịu. Sự “đùm bọc” ấy đã làm cho cả một khối kinh tế vốn lớn mà không mạnh. Qua từng chặng đường đổi mới, khối DNNN bắt đầu bước ra từ chiếc bóng bao cấp của Nhà nước để cùng cộng đồng DN bình đẳng trên sân chơi chung.

Xốc lại hoạt động

Theo số liệu của Sở Tài chính, đầu năm 2001 tổng số DNNN thuộc tỉnh quản lý là 77 đơn vị, trong đó ngành nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ 51,95%, thương mại 12,99 %, công nghiệp 3,90 %, xây dựng 9,09 %, giao thông 6,49%, văn hóa thông tin 2,6 %, DN công ích 6,49 % và dịch vụ khác 6,49 %. Tổng doanh thu khối kinh tế này khoảng 2.321,4 tỷ đồng, lỗ 118,959 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động 600 nghìn đồng/tháng.

Hoạt động chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Hoạt động chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Để xốc lại các hoạt động sản xuất kinh doanh khối DNNN, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ chính trị, về thực hiện chương trình đổi mới DN nông, lâm nghiệp quốc doanh, lập kế hoạch chương trình công tác, chỉ đạo các DN thuộc tỉnh lập đề án đổi mới. Giai đoạn 2001-2010, toàn tỉnh đã sắp xếp được 69 DN độc lập, trong đó, cổ phần hóa 25 DN; bán 3 DN; khoán 1 DN; 9 DN giải thể; 9 DN phá sản; 1 DN sát nhập về Trung ương; 1 DN chuyển thành Ban quản lý dự án; 15 DN chuyển thành công ty lâm nghiệp; 5 DN chuyển thành công ty TNHH MTV. Ngoài ra, còn chuyển 1 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường thành công ty cổ phần, chuyển 3 thành viên của Công ty Cao su Đắk Lắk thành công ty cổ phần là Xí nghiệp chế biến gỗ, Chi nhánh Công ty Cao su Đắk Lắk tại Đắk Nông và Trung tâm quản lý chất lượng và dịch vụ khoa học kỹ thuật thuộc mô hình công ty mẹ - công ty con.

Theo đánh giá của Sở Tài chính, giai đoạn trước năm năm 2001 hiệu quả kinh doanh đạt thấp, hầu hết đều bị thua lỗ, nhất là ngành nông nghiệp và thương mại có mức lỗ cao..., dẫn đến vốn chủ sở hữu giảm, thu nhập của người lao động thấp. Đến năm 2010, sau sắp xếp, sản xuất kinh doanh của các DN đã có bước cải thiện, lợi nhuận kinh doanh cao hơn so với năm 2001, hầu hết các DN nông nghiệp đã bù đắp được lỗ lũy kế, nợ phải trả giảm dần, tích lũy được vốn để duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, thu nhập của người lao động ngày càng được cải thiện. Tổng doanh thu của 29 DNNN đạt 922,921 tỷ đồng, lợi nhuận 86,808 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 3,7 triệu đồng/tháng.

Tự lực trên sân chơi bình đẳng

Công ty Cổ phần sách thiết bị trường học tiền thân là một DNNN trực thuộc Sở GD-ĐT tỉnh. Bắt đầu cổ phần hóa từ 2005, đến năm 2011, DN hoàn thành chặng đường cổ phần hóa. Tổng giá trị cổ phần đã bán nộp ngân sách Nhà nước 25,5 tỷ đồng.

Khách hàng chọn mua sách giáo khoa tại cửa hàng của Công ty cổ phần Sách thiết bị trường học Đắk Lắk.

Khách hàng chọn mua sách giáo khoa tại cửa hàng của Công ty cổ phần Sách thiết bị trường học Đắk Lắk.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Công ty cho biết, những năm đầu thực hiện cổ phần hóa, DN gặp khá nhiều khó khăn. Để từng bước tự chủ,  DN đã thực hiện bố trí, sắp xếp lại lao động theo hướng gọn nhẹ, tinh giảm bộ phận hành chính, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ kinh doanh, bán hàng, đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý, từng bước cải thiện thu nhập cho người lao động. Sau cổ phần hóa, trước áp lực cạnh tranh, để giữ thị phần, không còn cách nào khác, đơn vị phải đổi mới tư duy, phát huy, khai thác tối đa năng lực, tiềm năng của người lao động, đồng thời tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống cửa hàng bán lẻ. Từ năm 2008 đến nay, công ty đã huy động trên 15 tỷ đồng đầu tư mở thêm nhà sách và nâng cấp các cửa hàng bán lẻ. Nếu trước đây, đơn vị gần như độc quyền trong mặt hàng sách giao khoa thì từ năm 2006 bước vào sân chơi bình đẳng, thị trường bị chia cắt, phân tán, muốn tồn tại và phát triển, bắt buộc đơn vị phải năng động để có bước đi phù hợp trong chiến lược kinh doanh của mình. 

Có thể thấy, quá trình rà soát, sắp xếp lại DN đã đánh giá được thực trạng yếu kém của DNNN, kịp thời đề ra các giải pháp chấn chỉnh phù hợp nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động DN. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều DN (trong số 29 DNNN) đang gặp khó khăn về vốn, nợ khoán của người lao động tồn tại trong một thời gian dài… Đây cũng chính là áp lực cho quá trình chuyển đổi sắp xếp DN mà tỉnh đang tiếp tục nỗ lực đổi mới mạnh mẽ, tái cơ cấu toàn diện trong giai đoạn 2016-2020.

Sau cổ phần hóa, nhiều DN đã thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển, năng động trong tổ chức sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.


(Còn nữa)

Lê Hương

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ