A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trước nguy cơ lây lan của bệnh rệp sáp bột hồng: Cần có biện pháp xử lý rốt ráo

13:34 | 10/06/2014

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, 182 ha mì trái vụ của huyện Krông Bông sẽ cho thu hoạch, thế nhưng nhiều hộ trồng mì hết sức lo lắng vì bệnh rệp sáp bột hồng (RSBH) gây hại khiến gần 70 ha có nguy cơ mất trắng.

Theo các nhà khoa học, đây là loại bệnh hại cực kỳ nguy hiểm trên cây mì, có khả năng lây lan nhanh và rất khó phòng ngừa.

Nguy cơ mất mùa

 Giữa trưa nắng chang chang nhưng nhiều hộ trồng mì ở thôn 1, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) vẫn quanh quẩn trong rẫy mì chưa muốn về vì xót xa hàng chục ha mì đang phát triển bình thường, tự dưng hơn 1 tháng nay có rất nhiều cây ngừng phát triển, lá chuyển màu, sau đó úa vàng và rụng. Ông Phạm Văn Phụng cho biết, 1 ha mì của gia đình được trồng từ tháng 11-2013, đến khoảng tháng 9 - 2014 là cho thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 30 tấn/ha. Giá mì trái vụ thường khá cao, nếu không bị bệnh, gia đình có thể thu về trên 40 triệu đồng. Còn bây giờ thì xem như thất thu, còn 3 tháng nữa thu hoạch mà nhiều cây thấp dưới đầu gối, trong khi cả nhà trông chờ vào rẫy mì, giờ không biết tính làm sao? Phá đi thì không được vì đã hợp đồng liên kết với nhà máy, nếu tự ý phá bỏ là phá vỡ hợp đồng, biết lấy gì mà đền; còn không phá để trồng cây khác thay thế, thì xem như mất trắng. Cũng nằm trong tình trạng đó, 5 sào mì của hộ anh Trần Văn Hữu bị RSBH gây hại nặng. Anh Hữu cho hay: khi phát hiện rẫy mì có biểu hiện bất thường là các chồi non bị xoắn lại, lá trên ngọn phát triển thành cụm và quăn, anh kiểm tra thấy phía dưới cuống lá, thân cây có rất nhiều con rệp có dạng hình ô van, màu hồng kết dính sát vào nhau và chúng di chuyển nhanh. Từ khi phát hiện đến nay, gia đình đã nhiều lần phun thuốc nhưng cũng không diệt được; còn cây mì thì còi cọc, không phát triển nổi, năng suất giảm đến 70%. Hay hộ ông Đoàn Văn Bông, thôn 7, xã Khuê Ngọc Điền có 3,1 ha mì sắp thu hoạch thì có 2 ha bị bệnh RSBH, năng suất giảm đến 40%.

Diện tích sắn bị RSBH gây hại đến 70% năng suất.
Diện tích sắn bị RSBH gây hại đến 70% năng suất.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Krông Bông có trên 67 ha mì bị RSBH gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất từ 30-80%, tập trung ở 3 xã: Khuê Ngọc Điền trên 47 ha, Hòa Sơn 10 ha, Krông Kmar 10 ha. Ngay sau khi nhận được thông  tin, Sở NN-PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã xuống kiểm tra thực địa và khẳng định rệp hại mì trên địa bàn huyện là RSBH, đây là đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây mì, xuất hiện đầu tiên ở Dak Lak. RSBH ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và cực kỳ nguy hiểm là chúng có khả năng lây lan nhanh, nếu không chủ động phòng trừ kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ trên địa bàn huyện mà cả trong toàn tỉnh.

Cần xử lý rốt ráo

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, RSBH (tên khoa học là Phennacoccus manihoti) có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Năm 2009 RSBH được phát hiện tại Thái Lan và Campuchia, đến năm 2012, loại rệp này gây hại mì ở một số tỉnh phía Nam như Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum và gần đây tại các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, làm năng suất giảm tới 80%. RSBH gây hại các điểm sinh trưởng của cây mì, gây hiện tượng chùn đọt, cây lùn và sinh trưởng chậm; trên lá, rệp bám ở mặt sau, làm lá bị xoăn, biến vàng. Khi bị nhiễm với mật độ cao, toàn bộ lá bị rụng và chết cây. Rệp phát sinh, phát triển mạnh trong các tháng mùa khô hoặc có lượng mưa thấp, và khi phát triển mạnh thành dịch, rệp tồn tại trên tất cả các bộ phận của cây mì (gốc, thân, lá). Ban đầu rệp có thể lây lan qua hom giống, sau đó phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển... Đặc biệt, RSBH không chỉ gây hại cho cây mì mà còn có thể gây hại trên cây cao su và một số cây trồng khác.

Ruộng sắn bị nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng đã trồng hơn 6 tháng nhưng chỉ thấp dưới đầu gối.
Ruộng sắn bị nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng đã trồng hơn 6 tháng nhưng chỉ thấp dưới đầu gối.

Để chủ động phát hiện, phòng trừ và ngăn chặn sự lây lan của rệp giữa các địa phương trong tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật đã nhiều lần xuống kiểm tra thực địa, đồng thời phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn nông dân cách phòng trừ. Ông Lê Văn Thành, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: việc sử dụng thuốc hóa học để phun trừ mang lại hiệu quả không cao do rệp sống ở những vị trí kín trên cây và có lớp sáp trắng bao phủ trên thân nên thuốc không bám dính hết vào cơ thể  để tiêu diệt được chúng. Do đó, những rẫy sắn bị nhiễm rệp nặng, không có khả năng phục hồi phải nhanh chóng phá bỏ để thu gom tiêu hủy bằng phương pháp đốt hoặc sử dụng một số hóa chất để phun rệp theo nồng độ khuyến cáo. Ngoài các biện pháp trên, biện pháp sinh học cũng mang lại hiệu quả cao - đó là dùng bọ rùa đỏ, bọ đuôi kìm, ong ký sinh, nấm là những thiên địch chính của rệp.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, sắp tới huyện sẽ làm việc với Nhà máy tinh bột sắn để có hướng giải quyết đối với những hộ nông dân có diện tích nằm trong hợp đồng của nhà máy; đồng thời nhanh chóng tìm biện pháp ngăn chặn sự lây lan sang những diện tích khác.

Thuận Nguyễn

    Nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ