A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vấn nạn quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

15:03 | 04/06/2024

Thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) sai sự thật đã và đang là một vấn nạn. Bất chấp những nỗ lực của các cơ quan quản lý, những cảnh báo từ các cơ sở y tế và các chuyên gia, việc này vẫn chưa có hồi kết.

Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang kiểm tra hàng hóa là thực phẩm chức năng nhập lậu tại TP Phú Quốc ngày 5/1/2024. Ảnh: TCQLTT.

Một trong rất nhiều trường hợp điển hình là nạn nhân của việc tin vào TPCN được quảng cáo trên mạng, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một bệnh nhân bị tiểu đường rất nặng. Người này bị lừa mua TPCN trên trang facebook giả danh BS Trần Văn Chiển - Phó Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện trung ương Quân đội 108). Sau dùng thuốc, bệnh nhân bị biến chứng nặng, dẫn đến chỉ số đường huyết tăng cao, sụt 10kg.

Tại trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), liên tục nêu tên các nhãn hàng, doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về TPCN. Nhiều người còn giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về TPCN... như thuốc chữa bệnh.

Một số doanh nghiệp kinh doanh TPCN, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo. Nhiều sản phẩm trong số đó đã bị thổi phồng về công dụng…

Trên nhiều trang mạng xã hội, không ít loại TPCN đang được thần thánh hóa, coi như sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh. Đáng nói, rất nhiều trang web vi phạm về quảng cáo TPCN, nhưng lại nhan nhản những lời quảng cáo là "số 1", "tốt nhất", "cứu tinh", "thần dược", "cam kết không tái phát", "chữa dứt điểm đau xương khớp"..., đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử... là trá hình TPCN. Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm, sai phạm. Trong quý I/2024, phát hiện gần 200 sản phẩm vi phạm.

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch VAFF cho biết, nhiều quảng cáo TPCN đang gây khó chịu cho người tiêu dùng. Đáng chú ý, 80% quảng cáo TPCN vi phạm đạo đức kinh doanh, gây bức xúc. Không khó để bắt gặp trên các nền tảng xã hội hình ảnh các bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, bệnh viện tuyến Trung ương bị đối tượng lợi dụng cắt ghép để làm đại diện hình ảnh, quảng cáo cho sản phẩm của mình, lừa người tiêu dùng. Đã xuất hiện cả ma túy ẩn dưới lớp TPCN. Không ít người chật vật về kinh tế, ôm thêm bệnh vào người do tin và mua những loại thực phẩm trôi nổi này.

Sai phạm trong quảng cáo TPCN không chỉ gây ra hậu quả “tiền mất, tật mang” cho người tiêu dùng, mà còn làm giảm giảm uy tín của ngành TPCN, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và giả.

BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng) cho rằng, sự bùng nổ về các quảng cáo TPCN với những lời cam kết như không khỏi bệnh thì trả lại tiền, hay chỉ dùng trong vài tuần có hiệu quả rõ rệt... là vấn đề chung ở nhiều quốc gia, không chỉ Việt Nam. Điều này xuất phát từ tâm lý muốn bán được càng nhiều hàng càng tốt, bất chấp đạo đức hay khoa học.

“Thực phẩm chức năng có nhiều mặt tốt như bổ sung nhanh chóng chất dinh dưỡng và các chất có tác dụng chức năng mà cơ thể không được cung cấp đầy đủ trong chế độ ăn uống hàng ngày. Điểm không tốt là do chạy theo lợi nhuận, các nhà sản xuất và phân phối thường quảng cáo quá mức, sai sự thật. Ở góc độ người tiêu dùng, do quá tin vào TPCN, nhiều người lại bỏ qua những nguồn cung cấp dinh dưỡng thường ngày, bỏ qua chế độ luyện tập thể dục thể thao dẫn đến thiếu hụt một số chất dinh dưỡng. Nguy hiểm hơn, một số người còn bỏ cả đơn thuốc của bác sĩ điều trị để chuyển sang dùng TPCN, khiến tình trạng bệnh tật trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy không được coi là thuốc, nhưng TPCN cũng có khả năng gây các phản ứng dị ứng cho người dùng từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Việc sử dụng quá nhiều TPCN cũng không tốt, chưa kể còn gây tốn kém tiền bạc” – BS Hoàng thông tin.

Còn PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính. Trong khi người mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, điều trị sớm có thể khỏi nếu không thì cũng có thể kéo dài sự sống thì nếu những sản phẩm TPCN được quảng cáo sai sự thật về dùng không khỏi, người bệnh có thể bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật. Thậm chí còn có các sản phẩm có chứa chất cấm.'

"Về pháp luật chúng ta đã có chế tài quy định xử lý vi phạm quảng cáo. Vì thế, các cơ quan truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ TPCN không thể chữa bệnh" – PGS.TS Nguyễn Thanh Phong nói đồng thời cho rằng, nội dung quảng cáo thuốc, thiết bị y tế, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe cần được thẩm định và quảng cáo đúng nội dung đã thẩm định. Hiện nay, quảng cáo hàng hóa nói chung và TPCN nằm trong Luật Quảng cáo và nghị định hướng dẫn, Luật chuyên ngành và Nghị định 15.

Đức Trân

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/van-nan-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-sai-su-that-10282459.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ