A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Luật thuế GTGT (sửa đổi): Đưa phân bón ra khỏi nhóm hàng không chịu thuế

08:32 | 18/06/2024

Hiện doanh nghiệp phân bón không nộp thuế đầu ra nhưng đầu vào vẫn phải chịu thuế và không được khấu trừ khiến năng lực canh tranh suy giảm so với phân bón nhập khẩu.

Phân bón được đưa vào nhóm hàng hoá chịu thuế suất GTGT 5%. (Ảnh minh họa)

Chiều 17/6, Quốc hội đã nghe báo cáo từ Chính phủ và cơ quan thẩm tra về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi.

Trong Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu rõ, sau 15 năm thực hiện, Luật thuế GTGT năm 2008 đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, luật này cũng bộc lộ một số hạn chế và tồn tại.

Một trong những vấn đề nổi bật là số lượng nhóm hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế GTGT còn quá nhiều (26 nhóm), khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Hiện nay, Luật thuế GTGT áp dụng ba mức thuế suất: 0%, 5% và 10%. Tuy nhiên, việc áp dụng các mức thuế suất này đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng áp dụng mức thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ), chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất phổ thông.

Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng cũng gây nhiều vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) gồm 4 Chương, 18 Điều, về cơ bản vẫn kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý và bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành, sửa đổi quy định rõ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện.

Đáng chú ý, quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” được sửa đổi thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” để đảm bảo linh hoạt và chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ cũng đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp với thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp, ví dụ như phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung một số nhóm hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để phù hợp với thực tế phát sinh, ví dụ như hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với bên cho vay nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ; di vật, cổ vật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

Với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.

Cụ thể, dự thảo Luật bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ khỏi danh sách không chịu thuế GTGT, bao gồm phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.

Trong đó, phân bón được đưa vào nhóm hàng hóa chịu thuế suất 5%, nhằm đảm bảo sự công bằng và hợp lý trong hệ thống thuế, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất.

Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cải cách tích cực, góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và công bằng trong hệ thống thuế của Việt Nam.

Hoài Thơ

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/luat-thue-gtgt-sua-doi-dua-phan-bon-ra-khoi-nhom-hang-khong-chiu-thue-d390006.html

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ