A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Những thương hiệu "made in" Đắk Lắk

08:58 | 13/09/2015

Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh không những đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, mà còn góp phần quảng bá, đưa sản phẩm có thương hiệu của vùng Tây Nguyên đến với người tiêu dùng trong nước và quốc t

Năm 2011, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk) đã chuyển giao quyền sở hữu thương hiệu bơ DAKADO cho Công ty TNHH Thu Nhơn (địa chỉ tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Từ đó đến nay, DN này đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, duy trì và phát triển thương hiệu bơ DAKADO ngày càng vững mạnh. Cụ thể, Công ty đã đứng ra thành lập Liên minh sản xuất bơ sáp DAKADO; ký kết bao tiêu sản phẩm cho trên 300 hộ nông dân với tổng diện tích gần 500 ha trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Krông Ana; đồng thời tiếp tục tìm kiếm đầu ra cho quả bơ tại nhiều thị trường trong và ngoài nước. Nông dân tham gia liên kết với DN sẽ được tập huấn sản xuất bơ theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (tiêu chuẩn VietGAP); DN bao tiêu 100% sản phẩm và thu mua tại vườn với giá cao hơn thị trường từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Giám đốc Công ty TNHH Thu Nhơn cho biết, việc liên minh sản xuất bơ luôn bảo đảm các yếu tố cơ bản như không phun thuốc trừ sâu, không bón nhiều phân hóa học, trái bơ có hình dáng đều, mẫu mã đẹp. Đối với DN, khâu đóng gói, dán nhãn, vận chuyển cũng đúng quy cách, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo quản… vì vậy sản phẩm bơ mang thương hiệu DAKADO luôn đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm bơ với thương hiệu DAKADO đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ trong nước như Metro, Co.op Mart, Big C, Fivimart… với sản lượng bán ra bình quân khoảng 500- 700 tấn/năm. Không những thế, từ tháng 4-2015 đến nay, Công ty còn mở rộng thị trường xuất khẩu sang Campuchia với sản lượng 400 tấn. Theo bà Nhơn, Công ty sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động liên kết lâu dài với người trồng bơ trong tỉnh, qua đó, sẽ đầu tư hơn nữa để phát triển thương hiệu bơ DAKADO, chú trọng đến khâu chế biến sâu các sản phẩm từ bơ trái có giá trị cao như dầu bơ, bột bơ dùng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm…

Sản phẩm cà phê An Thái được giới thiệu tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015.  							Ảnh: Hồng Chuyên

Sản phẩm cà phê An Thái được giới thiệu tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015. Ảnh: Hồng Chuyên

Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển An Thái là một trong những doanh nghiệp tư nhân có sản lượng hàng hóa xuất khẩu nhiều nhất tỉnh. Các sản phẩm của công ty chủ yếu là cà phê bột hòa tan và cà phê hạt rang xay. Sản lượng xuất khẩu mỗi năm khoảng 2.000 tấn đến thị trường của trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả những thị trường khó tính như Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… với doanh thu mỗi năm đạt gần 10 triệu USD. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty cho biết, hiện nay sản phẩm cà phê xuất khẩu của Công ty đã chuyển qua chế biến sâu, không còn xuất dạng hạt thô qua các nước trung gian như trước. Những năm qua Công ty đã không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại cộng với sự tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam để tạo nên sản phẩm cà phê đạt chất lượng, bảo đảm sạch, mang hương vị tự nhiên. Để làm được điều đó, trước hết, khâu thu mua sản phẩm cà phê nhân ban đầu luôn được Công ty chú trọng. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đầu vào của DN thông qua 2 kênh chính. Thứ nhất là Công ty đang thực hiện cam kết với người dân thí điểm mô hình cà phê sạch theo tiêu chuẩn UTZ tại TP. Buôn Ma Thuột diện tích 100 ha với gần 60 hộ dân tham gia. Qua liên kết, nông dân đã được DN đầu tư vốn vay trả chậm, hướng dẫn sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng và sản lượng. Công ty nhận bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 800-1.000 đồng/kg. Nguồn thứ hai là thông qua một số đại lý thu mua nông sản có uy tín trên địa bàn. Nguồn hàng này cũng được kiểm tra kỹ về chất lượng và thu mua với giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Điều này không những giúp DN có nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng mà còn hướng đến việc định hướng cho người dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn để nâng cao giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, nhiều năm nay, sản phẩm cà phê An Thái luôn được khách hàng trong nước và quốc tế đánh giá cao, khẳng định được thương hiệu sản phẩm cà phê Đắk Lắk nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, những năm gần đây, phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu hơn so với trước đây. Bằng chứng là họ đã nhập về các loại máy móc với công nghệ hiện đại, chế biến sản phẩm sâu hơn để xuất khẩu với nhiều loại sản phẩm đa dạng, thay vì xuất khẩu thô như trước đây. Điều này không những giúp chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, khẳng định được thương hiệu mà còn ít bị phụ thuộc và không bị ép cấp ép giá như trước đây khi xuất qua thị trường trung gian. Ngược lại, về phía người nông dân, qua việc liên kết sản xuất với các DN, sản phẩm làm ra luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng, giá thành sản phẩm cũng luôn ổn định.

 Lê Thành

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ