A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Sử dụng thiết bị giám sát hành trình: Doanh nghiệp vẫn còn đối phó!

08:53 | 23/09/2015

Quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) đã và đang góp phần mang lại hiệu quả trong quản lý kinh doanh vận tải hành khách, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).

Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị thực hiện quy định này chỉ mang tính hình thức nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
 
Nghị định 91/NĐ-CP của Chính phủ quy định, từ ngày 1-7-2011, tất cả ôtô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500 km bắt buộc phải lắp đặt TBGSHT; xe khách đường dài trên 300 km phải lắp đặt từ ngày 1-1-2012; xe khách, xe buýt bắt đầu từ ngày 1-7-2012. Với công nghệ hiện đại, khi ôtô được lắp đặt TBGSHT, cán bộ quản lý, điều hành vận tải chỉ cần ngồi tại máy tính chủ có thể nắm bắt thông tin cụ thể theo thời gian xe vận hành, tốc độ xe chạy, thời lượng dừng đón trả khách, các điểm dừng đỗ của xe, thời điểm lái xe liên tục… để gọi điện nhắc nhở những lái xe vi phạm; là căn cứ để xử phạt và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT).
 

Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của xe khách tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.

Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của xe khách tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.

Tại Đắk Lắk, việc thực hiện quy định lắp đặt TBGSHT đã được các doanh nghiệp vận tải triển khai nhưng sử dụng vẫn còn mang tính đối phó. Cụ thể, trong tháng 6, 7-2015, Đoàn thanh tra 188 (Sở GTVT) tiến hành kiểm tra chấp hành pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô đối với 9 đơn vị (4 doanh nghiệp và 5 HTX), với tổng số 179 phương tiện cho thấy 100% phương tiện đã lắp đặt TBGSHT theo quy định; kiểm tra ngẫu nhiên 23 phương tiện của 9 đơn vị trên cho thấy các xe lắp đặt TBGSHT có dấu hợp quy của Bộ GTVT, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, cổng in dữ liệu, đèn báo trạng thái hoạt động..., nhưng chỉ có 14/23 TBGSHT cập nhật đủ các thông tin như biển số xe, tài xế, tốc độ của xe… Đáng chú ý, có khá nhiều phương tiện, khi kiểm tra TBGSHT đều thông báo không có dữ liệu, có thể đơn vị vận tải đã tắt thiết bị hoặc thiết bị hư hỏng không được khắc phục, sửa chữa. Ngoài ra, qua kiểm tra trên Internet 9 đơn vị có 2 đơn vị TBGSHT không cập nhật tên lái xe gồm Công ty TNHH Một thành viên Thành Danh, Xí nghiệp vận tải Thành Công; 1 đơn vị cung cấp sai mật khẩu, tên đăng nhập nên không trích xuất được dữ liệu từ TBGSHT.

Theo đánh giá của Đoàn Thanh tra 188, qua các lần kiểm tra nói trên cho thấy, các phương tiện vi phạm về tốc độ khá nhiều lần, nhưng chủ doanh nghiệp chưa thống kê, theo dõi, nhắc nhở hay xử lý vi phạm. Đơn cử, khi kiểm tra ngẫu nhiên chiết xuất dữ liệu TBGSHT 13 xe thuộc Công ty xe khách Buôn Ma Thuột (từ ngày 1-2 đến 31-3-2015), số lần vi phạm tốc độ lên tới 3.634 lần, trong đó có nhiều xe chạy quá tốc độ trên 100 km/giờ như: 47B-101.95 (123 km/giờ); 47B-013.70 (122 km/giờ); 47V-1650 (110 km/giờ); 47B-010.43 (108 km/giờ); 47B-003.14 (104 km/giờ). Trong khi đó, kiểm tra 4 xe chạy hợp đồng tại HTX vận tải du lịch Đắk Tour thì có đến 3 xe không trích xuất dữ liệu, còn xe BKS 47B-008.46 vi phạm tốc độ 7 lần, với tốc độ lớn nhất 80 km/giờ. Qua đây càng thấy rõ, việc quản lý, sử dụng TBGSHT chưa được đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc, dẫn tới lái xe vẫn ngang nhiên vi phạm, điều khiển phương tiện với tốc độ rất cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Muốn nắm bắt đầy đủ các thông số của TBGSHT và quản lý sát sao hoạt động của lái xe, phương tiện thì các doanh nghiệp  vận tải phải thành lập bộ phận quản lý ATGT tại văn phòng và phải có người theo dõi liên tục. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị vận tải có thành lập bộ phận quản lý an toàn giao thông nhưng không hoạt động hoặc hoạt động mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Qua kiểm tra bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT ở 8 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định vẫn còn 3 đơn vị (chiếm hơn 37%) hoạt động không thực chất, thậm chí có đơn vị thành lập bộ phận này, nhưng không duy trì hoạt động.

Nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu TNGT, nhất là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động vận tải, hằng tháng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều có văn bản nhắc nhở các địa phương tăng cường theo dõi, giám sát việc sử dụng TBGSHT ở các đơn vị vận tải và xử lý vi phạm theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15-4-2015 của Bộ GTVT. Tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng tuy có thực hiện quy định này nhưng không thường xuyên, liên tục nên tình trạng vi phạm của đơn vị vận tải vẫn diễn ra phổ biến, nhất là vi phạm về tốc độ, đơn cử như tháng 7-2015, Đắk Lắk là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có số lần vi phạm tốc độ xe khách nhiều nhất trên phạm vi cả nước.

Điểm đ, Khoản 4, Điều 28, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 3 triệu đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 triệu đến 8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ TBGSHT theo quy định.

Hoàng Tuyết

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ