A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Luyện 11 "bí kíp" để học và thi khối C hiệu quả

15:10 | 21/06/2013

Văn, Sử, Địa thường là ba môn học khó học và khó đạt điểm cao. Nhưng nếu biết cách học và cách làm bài thi, bạn sẽ thấy ba môn học đó không hề khó như đã tưởng.

Dưới đây là những bí quyết để bạn ôn thi hiệu quả, và thử xem xem những bạn đã “vượt vũ môn” có những kinh nghiệm ôn thi như thế nào nhé.

1. Ôn toàn diện

Ba môn thi có vai trò quan trọng như nhau trong hệ thống điểm, bạn nên dành thời gian cho ba môn tương đương nhau, không được lấy môn này “gỡ điểm” cho môn kia.

Đừng bỏ qua bất kì vấn đề nào nằm trong hệ thống ôn tập thi của bộ GD-ĐT, kể cả những vấn đề đã được hỏi trong năm trước, vì cùng một vấn đề có thể có nhiều cách hỏi khác nhau. Kì thi đại học là một kì thi vô cùng quan trọng, đừng đánh cược cơ hội của mình với thần “may, rủi” bạn nhé.

2. Ôn từ đầu

“Ôn bây giờ có nhớ được đâu, bao giờ gần thi ôn cho nhớ” là tư tưởng của một số bạn. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Học ngay từ những ngày đầu là rất cần thiết, để đến những ngày cuối cùng, khi ôn lại, bạn đang tiếp xúc với những kiến thức cũ, không phải kiến thức mới nữa. Bạn còn có thời gian để mở rộng và nâng cao vấn đề.


Ảnh minh họa.


3. Cùng ôn và cùng kiểm tra với bạn bè

Hãy quy ước chung một vấn đề và cùng học với bạn bè, đến cùng thời điểm sẽ kiểm tra. Người ta vẫn nói “thua thầy một vạn không bằng kém bạn một li”, khi cùng ôn với bạn, bạn sẽ có áp lực hơn. Ôn luyện và phải có kiểm tra. Chỉ khi bạn truyền đạt lại nội dung cho người khác, đó mới là khâu cuối cùng của việc học. Có khi bạn cứ nghĩ rằng bạn đã rất thuộc vấn đề này rồi, nhưng hãy thử xem, khi nói ra, bạn sẽ còn nhiều chỗ chưa thuộc, và hãy thử xem, nhưng điều bạn bè bổ sung, bạn sẽ nhớ rất lâu đó.

4. Vừa học vừa ghi chép

Đừng nghĩ rằng chỉ khối tự nhiên mới cần ghi chép tính toán, việc học thuộc cũng rất cần đến sự ghi chép. Khi bạn vừa học vừa ghi, thậm chí là ghi những kí hiệu giống nhau liên tục, sự tập trung cũng sẽ cao hơn. Nên ghi theo ý, những gạch đầu dòng chính, những từ khóa hoặc mô hình hóa thành những sơ đồ dễ nhìn, để khi nhớ lại, chỉ cần nhìn hình là đã thuộc bài rồi.

5. Tập làm bài kiểm tra, tự chấm điểm

Hãy thử sức mình với những đề thi của các năm trước đó. Thật nghiêm khắc với bản thân bằng cách nghiêm túc thi như đi thi thật. Sau đó hãy tự chấm xem bản thân mình làm được bao nhiêu phần trăm. Bạn có thể thực hiện phương pháp này cùng với những người bạn. Mỗi lần như vậy, bạn sẽ rút ra được rất nhiều bài học đó.

6. Dễ làm trước, khó làm sau

Hãy chọn những câu bạn thuộc bài làm trước, nếu làm những câu khó hoặc làm tuần tự, sẽ rất mất thời gian, có thể không còn thời gian cho những câu bạn đã thuộc nữa.

7. Không bỏ qua bất kì câu hỏi nào trong bài làm khi vẫn còn thời gian

Nguyên tắc làm bài thi là không được phép bỏ qua bất kì câu hỏi nào mặc dù có những câu bạn chỉ thuộc rất ít hoặc thậm chí không rõ có nhớ đúng hay không. Nhưng hãy nhớ là, bỏ không chắc chắn bạn sẽ không được điểm, nhưng khi không thuộc hết thì bạn hãy cứ cố làm nhé, có chữ là còn có cơ hội được điểm. Mà trong kì thi ĐH thì chỉ là 0,25 điểm cũng quý.

8. Trình bày rõ ràng, mạch lạc, khoa học, dễ đọc và đặc biệt chú ý lỗi chính tả

Khối xã hội thì vấn đề trình bày, triển khai vấn đề, và chính tả là điều quan trọng hơn các khối khác. Các thầy cô chấm thi đại học phải làm việc với số lượng bài vô cùng lớn trong thời gian có hạn, nên ý tứ bài viết rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu là một lợi thế rất lớn. Hết một ý bạn hãy xuống dòng và lùi vào một chữ, câu chủ đề nên để ở đầu đoạn. Đặc biệt chú ý lỗi chính tả nữa bạn nhé.

9. Các câu trả lời đều trình bày theo trình tự: mở bài - thân bài - kết luận

Bài làm khối C luôn theo 3 bước, mở- thân- kết. Văn và Sử là hai môn bắt buộc phải có những thao tác này, còn với Địa thì mở bài và kết bài có thể ngắn gọn hơn.

10. Không được quên khâu đọc lại bài

Bước cuối cùng trước khi nộp bài làm là đọc lại bài, soát lỗi sai. Khi đọc lại bài bạn phát hiện ra rất nhiều lỗi sai mà lúc viết vội mình chưa để ý. Hãy căn chỉnh và dành thời gian cho bước quan trọng này nhé.

11. Tâm lí thoải mái

Một số bạn có tâm lí sợ sệt “liệu giọng Văn của mình có hợp với người chấm hay không?”. Việc chấm bài thi ĐH là một việc quan trọng, có nhiều giáo viên sẽ cùng chấm bài của bạn, vì vậy nên việc đánh giá là hoàn toàn khách quan. Điều quan trọng nhất là giữ tâm lí thật thoải mái khi làm bài, làm xong một môn nào đó hãy bình tĩnh làm những môn tiếp theo bởi đơn giản kết quả thi ĐH là kết quả của ba môn chứ không phải một hay hai môn.

Tự tin chiếm 50% chiến thắng, khi bạn nắm được phương pháp học và thi hiệu quả, bạn có tự tin thì bạn đã đi được nửa chặng đường rồi đó.

    Theo Trí Thức Trẻ

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ