A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngày hè ở phố thị: Đau đầu chuyện học và chơi

15:57 | 15/07/2013

Nghỉ hè, thời điểm rất được mong chờ của con trẻ nhưng lại là nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh khi phải đau đầu xoay xở, sắp xếp người trông giữ, quản lý con suốt gần 3 tháng hè…

Với nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, nhất là ở thành thị, thường sau khi kết thúc năm học là cho con xả hơi sau một năm học tập vất vả bằng một chuyến du lịch. Nhưng du lịch dài lắm cũng chỉ 5-10 ngày, còn cả 2 tháng nữa mới hết hè, thế là lại đau đầu tính việc giám sát, quản lý, trông giữ con.

Ngày hè cũng là dịp sôi động với các môn học năng khiếu.

Suốt từ ngày nghỉ hè đến nay, hầu như bữa cơm nào của gia đình chị Lương Thị Mai ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột cũng rôm rả với chủ đề chuyện học và chơi của con trong dịp hè. Cậu con trai học lớp 4 nghỉ hè, ra đường thì sợ xe cộ, nhốt trong nhà, cu cậu chẳng biết làm gì, chơi gì nên chỉ biết làm bạn cùng máy tính rồi say mê với các trò chơi trên mạng hoặc mở ti vi xem đủ các loại phim về siêu nhân. Nỗi lo lắng của vợ chồng chị Mai càng tăng khi mới đây họ đưa con đi khám mắt thì phát hiện một mắt của con trai rất yếu. Chị tức tốc đi đăng ký cho con vào lớp học võ rồi đến hiệu sách mua sách lớp 5 về để con đọc trước. Tương tự, con trai chị Võ Thị Thùy ở phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, học lớp 8, khá hiền lành, thuần tính, nghỉ hè chẳng có chỗ chơi, cứ đến giờ thì tắm và ăn, còn lại suốt ngày đóng cửa phòng, lấy đồ chơi của đứa em 3 tuổi ra chơi, lắp ráp, xếp đủ hình. Sợ con cứ ru rú trong nhà như vậy rồi mắc bệnh trầm cảm khi nào không hay nên gần hết tháng hè đầu tiên, chị đăng ký cho con một tuần học thêm 3 môn: Toán, Lý, Anh. Những buổi không phải đi học thì chị xếp thời gian biểu cho con lên mạng để xem trước bài giảng các môn học ở lớp 9 sắp tới. Thế là cu cậu lại suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Còn vợ chồng anh Đàm Công Hải, tạm trú phường Tân Hòa đều làm trên phố, từ cơ quan về nhà 6 cây số, nếu cứ đưa con đi đi về về thì vi phạm quy định giờ giấc làm việc ở công sở. Vì vậy, vợ chồng anh đành phải thuê một người xe thồ quen biết với giá 1 triệu đồng/tháng để đưa đón con đi học thêm, học năng khiếu.

Với những gia đình có con đang trong độ tuổi đi trẻ, ngày hè cũng đau đầu với chuyện trông con nhất là với các cặp vợ chồng đều làm công chức nhà nước. Những đứa lớn, cho tham gia các lớp học thêm, học năng khiếu, nội chuyện đưa đón cũng đã mất khá nhiều thời gian vì một buổi học chỉ kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đến 2 tiếng.  Nhưng những đứa nhỏ thì phải có người trông giữ cả ngày, lại còn chuyện ăn chuyện ngủ. Kiếm được người giữ trẻ nhất là mang tính thời vụ không dễ, dù chịu chấp nhận giá thuê cao. Nhiều người phải triệu hồi ông bà nội ngoại lên trợ giúp trông con trong những tháng hè. Có người phải cắt phép nghỉ ở nhà trông con, kẹt quá thì phải đem cả con lên cơ quan, cầm cự được ngày nào hay ngày đó. Cũng vì lý do này mà hầu hết các trường mầm non tư thục đều chỉ nghỉ hè 2-3 tuần sau đó lại nhận trông giữ để “gỡ khó” cho các bậc phụ huynh với bài toán trông con dịp hè. Nói là đi học hè nhưng sĩ số lớp thì cũng suýt soát như trong năm học.

Lớp học vẽ tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi Dak Lak.

Nắm bắt được tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh mỗi khi kỳ nghỉ hè đến, ngay khi kết thúc năm học, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh đã ký cam kết với một số trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố như: Tân Lợi, Đoàn Thị Điểm, Lạc Long Quân để có điều kiện được đón các em đến sinh hoạt, có thêm sân chơi trong dịp hè; đồng thời cố gắng cân đối để đầu tư tu sửa, trang bị thêm một số dụng cụ, thiết bị phụ trợ cho các môn học. Ngoại trừ những giáo viên trong diện biên chế, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện kỹ năng, năng khiếu cho các em thanh thiếu nhi, dịp hè nào cũng vậy, Nhà Văn hóa thường ký hợp đồng thuê các cộng tác viên có trình độ, chủ yếu là giáo viên các trường dạy các môn năng khiếu đến giảng dạy. Hầu hết các lớp học đều được khai giảng từ cuối tháng 5, đầu tháng 6. Tính đến thời điểm này, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi đã chiêu sinh được 2.452 lượt học sinh đến với 131 loại hình lớp học, trong đó mảng văn hóa nghệ thuật thu hút 1.115 em tham gia; thể dục thể thao 1.223 em; ngoại ngữ 115 em. Tuy nhiên, theo anh Kpă Y Khoa, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi, con số thanh thiếu nhi đến sinh hoạt hè năm nay ở Nhà văn hóa giảm hơn, chỉ bằng 80% năm ngoái. Và theo lý giải của anh Khoa, điều này có nhiều nguyên nhân: thiếu thốn, khó khăn về kinh phí dẫn tới những hạn chế nhất định trong đầu tư trang thiết bị cho các môn học năng khiếu cũng làm sức hút với phụ huynh và thanh thiếu nhi; áp lực học tập quá lớn khiến nhiều ông bố bà mẹ cho con nghỉ hè trong những lớp học thêm…

Đàm Thuần

    Nguồn:Báo ĐăkLắk điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ