A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Để nghị định 67 của chính phủ về thi hành luật phòng chống tác hại của thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống

08:34 | 08/09/2013

Ngày 15-8-2013, Nghị định số 67/2013/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá” có hiệu lực.

Tuy nhiên đến thời điểm này, hầu hết những người bán lẻ thuốc lá vẫn chưa biết đến Nghị định trên.

Theo nội dung Nghị định, để được cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá phải đáp ứng 5 điều kiện: thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3m2 trở lên; có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Như vậy, nếu thực hiện đúng các quy định trên thì hầu hết các điểm bán lẻ thuốc lá hiện nay sẽ không đủ điều kiện để kinh doanh mặt hàng này, vì đa số các điểm bán lẻ thuốc lá đều là “quán cóc”, thường bán kèm thuốc lá với những mặt hàng khác.

Bà Nguyễn Thị L., chủ một quầy hàng tạp hóa nhỏ ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) than thở: “Tôi chưa nghe thông báo gì về những quy định đó. Nếu có quy định như vậy thì gia đình tôi cũng chẳng biết làm sao, có khi sẽ không bán thuốc lá nữa. Không chỉ riêng gian hàng của gia đình tôi mà nhiều gian hàng tạp hóa khác cũng chẳng có được diện tích 3m2 trở lên cho riêng sản phẩm thuốc lá được…”. Chị H., chủ quán cà phê nhỏ ở thôn 2, xã Hòa Sơn (Krông Bông) cũng phân vân: “Tôi chưa được tuyên truyền gì về quy định này. Nếu phải đáp ứng đủ 5 điều kiện như vậy thì tôi sẽ nghỉ bán thuốc lá, chứ lời lãi từ thuốc lá có đáng là bao. Tôi bán cà phê mỗi ngày được vài chục phin, kèm theo đó là mấy điếu thuốc cho khách mà bây giờ phải có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán… Những người bán giải khát ven đường như chúng tôi thì làm sao bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định đề ra…”.

Nghĩ lại về Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá có hiệu lực từ năm 2009 cũng đã quy định, phạt từ 200.000 – 1.000.000 đồng với hành vi “kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu hoặc thuốc lá khi không có giấy phép kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ”. Quy định khá cụ thể nhưng sau 3 năm, cơ quan chức năng đã xử phạt được bao nhiêu vụ?

 Thiết nghĩ, việc hạn chế mua và sử dụng thuốc lá phần lớn dựa vào ý thức người dân. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ ai là người giám sát việc thi hành, xử phạt thế nào. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải có đủ lực lượng để đi kiểm tra tất cả những điểm kinh doanh bán lẻ thuốc lá. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của các thương nhân. Có như vậy hoạt động bán lẻ thuốc lá mới được quy hoạch, đi vào trật tự và kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng của thuốc lá. Nếu không, ban hành quy định mà không làm đến nơi, đến chốn thì sẽ xảy ra tình trạng người dân sẽ “nhờn luật” và đâu sẽ lại hoàn đấy!

 Nguyễn Trung Thu

    Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ