A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngày xuân nghe nông dân kể chuyện làm giàu

22:49 | 02/02/2014

Có rất nhiều cách để làm giàu nhưng đối với những người nông dân chân đất, ngoài chăm chỉ, nỗ lực, họ còn phải biết tận dụng thời cơ, khai thác thế mạnh sẵn có về mọi mặt, mạnh dạn “đi tắt, đón đầu” trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

...Những câu chuyện của họ đều chứa đựng sự quyết tâm và khát vọng vươn lên làm giàu.

Hướng tới liên kết để cùng phát triển

Sau gần 30 năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp, mọi cố gắng, nỗ lực và quyết tâm làm giàu của ông Nguyễn Hữu Vệ ở khối 3A (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) đã được đền đáp xứng đáng bởi ông là một trong số 62 nông dân cả nước được chọn tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2013. Những ngày ở Hà Nội, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, cách làm hay của nông dân xuất sắc trong toàn quốc, ông đã “vỡ” ra rất nhiều điều. Để phát triển bền vững, nông dân cần phải liên kết, bắt tay hợp tác trên mọi phương diện. Sự liên kết này không chỉ tạo thành một khối vững chắc nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế mà còn hỗ trợ lẫn nhau khi gặp rủi ro và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Qua lễ tôn vinh, tôi đã biết đến máy xay ngũ cốc trộn thức ăn cho gia súc, tận dụng lá mít, vỏ mít bỏ đi trước đây để chăn nuôi vừa tăng thêm thu nhập lại tránh ô nhiễm môi trường. Nhiều nông dân các tỉnh bạn cũng đã học được từ tôi cách xây dựng trang trại tổng hợp, kỹ thuật làm hầm biogas… Nhưng quan trọng hơn cả, chính sự liên kết này đã giúp tôi nảy ra ý tưởng mới nhằm quy hoạch lại trang trại theo hướng chuyên sâu và phát huy hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Vệ chia sẻ. 

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Hữu Vệ đem lại thu nhập ổn định trên 1,2 tỷ đồng mỗi năm .
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Hữu Vệ đem lại thu nhập ổn định trên 1,2 tỷ đồng mỗi năm.

Với trang trại rộng 7 ha, thay vì trước đây chỉ trồng 2.000 cây cà phê, 2.500 cây mít nghệ, 1.500 cây tiêu, chăn nuôi 150 heo nái và khoảng 3.700 heo thịt/năm thì nay sẽ quy hoạch lại theo hướng phát triển mạnh những loại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Trước mắt, gia đình sẽ phá bỏ diện tích cà phê già cỗi để xuống giống thêm 1.500 cây tiêu. Nhằm giảm chi phí đầu tư, ông đã mạnh dạn thử nghiệm và thành công với việc lấy thân cây mít làm trụ sống cho tiêu phát triển. Đồng thời, xung quanh trang trại, trồng xen cây bơ cao sản vừa chắn gió, tăng bóng mát, độ ẩm cho vườn cây; tận dụng nguồn thức ăn sẵn có phát triển chăn nuôi nai và heo rừng. Chăn nuôi phát triển hỗ trợ tích cực cho trồng trọt vì thông qua hệ thống hầm biogas để ủ cỏ, lá cây, phế phẩm chăn nuôi thành phân vi sinh bón cho cây trồng. Ông Vệ tự tin tính toán: “Sắp tới, trang trại tổng hợp của gia đình tôi sẽ không còn loại cây trồng nào cho thu nhập bấp bênh nữa. Cây mít đã được bao tiêu sản phẩm với giá từ 15.000-17.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu hoạch trên 530 triệu đồng, trại heo cũng thu được 700-800 triệu đồng/năm. Và chỉ 3 năm nữa thôi, gia đình tôi sẽ thu hoạch được khoảng 20 tấn tiêu/năm, chưa kể các sản phẩm phụ khác, lúc đó cầm chắc trong tay khoản lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm”. Với suy nghĩ, để sản xuất - kinh doanh phát triển bền vững cần phải biết gắn lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, ông Vệ đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện ở địa phương. Từ đường điện trị giá 100 triệu đồng phục vụ sản xuất của trang trại và 70 hộ đồng bào dân tộc thiểu số buôn T’rưng đến việc đóng góp tu bổ đường giao thông nông thôn, hỗ trợ gạo cho bà con ăn tết, lúc giáp hạt, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương… tất cả đều chứa đựng tấm lòng của người nông dân giàu khát vọng vươn lên. 

Nỗ lực xây dựng thương hiệu “Gà thả vườn Ea Kar”

Chủ trang trại sản xuất gà giống Thanh Thảo - Đoàn Tâm Kê kiểm tra các điều kiện của chuồng nuôi.
Chủ trang trại sản xuất gà giống Thanh Thảo - Đoàn Tâm Kê kiểm tra các điều kiện của chuồng nuôi.

Tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên khoa Chăn nuôi thú y năm 2006, anh Đoàn Tâm Kê ở thôn 1A (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) lặn lội xuống tận Đồng Nai làm nhân viên tiếp thị cho một công ty thức ăn gia súc để tìm hiểu thị trường, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm kinh tế, sau đó về huyện Ea Kar mở cửa hàng buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu thấp do thị trường cạnh tranh khốc liệt nhưng cũng trong quá trình đó, anh đã được tiếp cận với một số hộ nuôi gà và nắm bắt được khó khăn lớn nhất của họ chính là nguồn cung cấp con giống có chất lượng tốt. Ý tưởng trở thành nhà phân phối con giống đã nảy sinh và thôi thúc anh ra tận Hà Nội, tìm đến những trại gà nổi tiếng nhập con giống về bán. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ nhưng vào những lúc cao điểm rất khó tìm đủ nguồn hàng cung cấp cho các hộ chăn nuôi, vì vậy, anh bàn bạc với vợ mạnh dạn phá bỏ một phần diện tích cà phê kinh doanh để xây dựng trang trại sản xuất gà giống. Cơ sở vật chất đã có nhưng để có thể tìm được con giống đáp ứng nhu cầu thị trường thì quả không phải dễ. Sau một thời gian tìm hiểu tại các công ty giống, trại giống, Viện Chăn nuôi quốc gia ở Hà Nội, anh quyết định chọn loại gà chọi có chất lượng thịt săn chắc, nhanh lớn cho phối với giống mái đẻ gà ta. Do chưa tạo được thương hiệu trên thị trường nên lúc đầu, anh Kê phải đưa con giống đi chào hàng trực tiếp và chấp nhận “ngâm vốn” chờ các hộ nuôi thử nghiệm đến khi đạt yêu cầu mới lấy tiền. 

“Mưa dầm thấm lâu”, gà giống của Trại gà Thanh Thảo đã được thị trường trong và ngoài huyện chấp nhận. Các đơn đặt hàng ngày càng nhiều, trong khi năng lực sản xuất con giống của trang trại có hạn nên anh Kê đã phát triển thêm 4 trại giống vệ tinh ở xã Xuân Phú, Ea Sar, Cư Ni (huyện Ea Kar) bằng cách liên kết với các hộ có vốn, mặt bằng rồi đầu tư cho họ con giống, chuyển giao công nghệ chăn nuôi, sau đó thu mua trứng với giá ổn định 6.000 đồng/quả chuyển về trại ấp thành gà giống. Anh Kê nhớ lại: “Lúc đầu, trang trại chỉ có 1 lò ấp thủ công với công suất 10.000 trứng/mẻ, 3 mẻ ấp đầu tiên thất bại, vợ chồng tôi mất đứt 1 cây vàng. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì chẳng mấy chốc sạt nghiệp, một lần nữa, tôi lại “khăn gói quả mướp” ra tận Hà Nội xin vào làm thuê tại các lò ấp thủ công để học hỏi kinh nghiệm. Mỗi khi “học lỏm” được “bí quyết” của nghề , tôi liền chuyển thông tin về để người ở trang trại biết cách điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm của lò ấp và cuối cùng cũng đã thành công. Đến nay, trang trại đã có 4 lò ấp, 2 lò nở với công suất 25.000 trứng/lò”. Cách làm sáng tạo này đã giúp vợ chồng anh Kê phát triển đàn gà giống bố mẹ lên 8.000 con, trung bình mỗi tuần cung cấp trên 16.000 con giống cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Dak Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa với giá từ 13.000 - 15.000 đồng/con giống, năm 2013 đã thu được khoản lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. “Tôi đang ấp ủ ước mơ xây dựng thương hiệu “Gà thả vườn Ea Kar” và đưa nó vươn xa ra thị trường cả nước. Những cơ sở ban đầu đã có nhưng để biến ước mơ đó thành hiện thực, rất cần sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách cũng như sự tham gia, liên kết của các doanh nghiệp trong việc sản xuất con giống”, anh Kê bộc bạch. 

Ông Nguyễn Hữu Vệ và anh Đoàn Tâm Kê chỉ là 2 trong số gần 80.000 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của tỉnh. Thành quả của họ thật đáng trân trọng bởi thông qua những việc làm thiết thực này đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xuân Giao

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ