A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bún riêu cua còng gió

14:21 | 21/09/2015

Còng gió là một loài giáp xác nhỏ, có kích thước gần bằng con ba khía, tuy nhiên chúng chạy rất nhanh nhờ những cái chân cao. Còng gió sống nhiều ở các vùng ven sông, bãi bồi và ngay dưới chân rừng ngập mặn.

Còng gió có tên quen thuộc là con dã tràng, người Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) kêu bằng còng gió vì nó chạy nhanh nhất trong các loại cua còng, chạy nhanh như gió thổi.

Anh Hai tôi thường chọn buổi tối để ra bãi biển bắt còng. Những tối trời sắp chuyển mưa hay trăng khuyết, còng thường ra biển kiếm ăn. Bắt còng có ba cách: đặt bẫy, đào hang hoặc đuổi bắt. Thường mỗi chuyến đi bắt còng kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ là được 2 - 3 kg còng.

 

 Bún riêu còng gió.

Sau khi đem về nhà, còng được xả nước để trôi hết cát biển. Chỉ cần như vậy là từng con còng sạch tinh. Má tôi bóc mai còng để lấy gạch. Còng gió chân dài, nhiều thịt nên toàn bộ thân còng được đem giã nhuyễn, sau đó lọc lấy thứ nước riêu đặc sệt. Thường khi nấu các loại bún riêu cua, má tôi thường phải hầm thêm giò heo, bỏ thêm huyết, đậu hũ chiên hoặc ốc, để nồi bún riêu thiệt ngọt, thơm, hấp dẫn..., nhưng khi nấu bún riêu còng, má chỉ dùng những thứ từ chính con còng.

Đầu tiên, nồi riêu còng đặc sệt vừa lọc, má nêm ít muối, khuấy nhẹ, nấu sôi bằng lửa nhỏ để riêu còng nổi lên thành tảng. Riêu còng có màu vàng nhạt, khác lạ so với một nồi riêu cua tim tím thường gặp. Song song đó là phi hành, ớt khô và chút màu hột điều, rồi cho gạch còng vào xào đến khi thơm nức mũi. Cuối cùng, má cho cà chua cắt góc tư vào nồi riêu, nêm nếm gia vị vừa miệng, thêm nước màu gạch còng vào, để lửa riu riu. Trong khi má làm tất cả những khâu đó, tôi và các em lặt rửa rau thơm, bào rau muống, sắp bún ra tô, dọn chanh ớt, muỗng đũa.

Tô bún riêu còng được bưng lên, tỏa mùi thơm nức. Trong tô chỉ có những thành phần cơ bản nhất của món bún riêu: nước lèo, bún, lớp riêu còng mỡ màng vàng nhạt, ít cà chua đỏ lự, hành ngò xanh lấm tấm, rau thơm, chanh ớt và một xíu mắm tôm. Chỉ thế thôi, không cần huyết, đậu hũ chiên hay giò heo, nhưng ai được ăn một lần món bún riêu còng sẽ không bao giờ quên vị ngọt dai dẳng của thịt còng, độ ngậy đặc biệt của gạch còng hòa trộn với các thức khác có trong tô bún. Ăn bún riêu còng như thế, nên sau khi ăn thật no vẫn có cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu, vẫn thèm ăn thêm tô nữa, tô nữa...

VT (Nguồn: Amthuc365.vn)

    nguonlangvietonline.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ